Khơi dậy, lan tỏa văn hóa đọc
ĐBP - Xã hội phát triển, nhiều loại hình văn hóa nghe, nhìn phong phú, đa dạng làm cho việc tìm kiếm các thông tin mọi mặt về đời sống trở nên dễ dàng hơn. Song, không thể phủ nhận tầm quan trọng của văn hóa đọc truyền thống. Bởi qua các nguồn tư liệu từ sách, báo, tạp chí… không chỉ giúp mỗi người lĩnh hội các giá trị văn hóa, xã hội, tiếp nhận, phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin mà còn từng bước hình thành nhân cách đẹp cho bản thân.
Học sinh Trường Tiểu học Him Lam, TP. Điện Biên Phủ hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Đã thành thói quen, tranh thủ giờ ra chơi, em Trần Tuệ Lâm, học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) lại cùng nhóm bạn đến thư viện trường học mượn sách để đọc. Lâm cho biết, tùy vào thời điểm và nội dung học tập trên lớp, em sẽ mượn các đầu sách để đọc sao cho phù hợp nhất. Bởi vậy, có buổi thì em mượn sách, báo, có ngày em lại mượn truyện tranh đọc giải trí. Thầy Vũ Xuân Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xác định xây dựng văn hóa đọc có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển vốn sống cho học sinh, do đó, ngoài việc khuyến khích các em đọc sách mỗi giờ ra chơi, cuối mỗi buổi học thì nhà trường còn tổ chức mỗi tuần một tiết đọc sách tại thư viện để các em có cơ hội trao đổi, học tập nâng cao kiến thức, hình thành nhân cách. Cùng với đó, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của việc đọc sách; đồng thời tổ chức hội thi kể chuyện giữa các khối lớp trong toàn trường, thi vẽ tranh mô tả nội dung những câu chuyện các em yêu thích, đọc thơ, ngâm thơ, diễn kịch minh họa nội dung sách… Từ những hoạt động thiết thực như vậy, đến nay, việc đọc sách đã trở thành thói quen của học sinh nơi đây. Nhìn chung, học sinh đều có ý thức trong việc học tập.
Thời gian qua, việc phát triển kĩ năng, văn hóa đọc đã được các cơ sở giáo dục quan tâm đúng mức. Đến nay, hoạt động đọc sách trong học đường ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến: 100% trường học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó cơ bản các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định. Thầy Trần Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé chia sẻ: Đặc thù của vùng cao, phần lớn học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số nhưng ở đây học sinh rất chăm chỉ đọc sách. Có được kết quả đó, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh về tầm quan trọng cũng như giá trị của việc đọc sách, đơn vị không ngừng phát huy giá trị thư viện trường học, tủ sách trường học. Hàng năm, nhà trường lựa chọn những đầu sách hay, có ý nghĩa giáo dục xây dựng mô hình thư viện, tủ sách thân thiện… gắn liền với các hoạt động như: Xây dựng nội quy, quy định của nhà trường, tổ chức giới thiệu, đánh giá, nhận xét sách... Cùng với đó, tổ chức liên kết, trao đổi sách, báo, tạp chí, truyện giữa các trường trên cùng địa bàn để làm phong phú nguồn sách, truyện trong thư viện trường.
Để khơi dậy hơn nữa văn hóa đọc, thu hút, khuyến khích học sinh đam mê, hiểu được giá trị của việc đọc sách, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung vốn tư liệu, tài liệu, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng thường xuyên phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, triển lãm, quảng bá sách, báo, tạp chí trong cộng đồng nói chung, các cơ sở giáo dục nói riêng. Mới đây, hưởng ứng Ngày Sách năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với chủ đề: “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”. Ngày hội đã thu hút trên 500 lượt người đọc và trên 1.000 lượt sách được luân chuyển. Ông Mai Thế Mạnh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Năm nay do tình hình dịch bệnh phức tạp, để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, mô hình xe thư viện lưu động đã chủ động thích ứng linh hoạt bằng việc thay đổi phương thức từ phục vụ tập trung toàn trường sang triển khai hoạt động đọc sách và đố vui theo từng nhóm nhỏ, từng lớp nhằm đảm bảo an toàn mà vẫn cung cấp đầy đủ những đầu sách có nội dung phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi học sinh tại cơ sở; qua đó, giúp các em có tinh thần thoải mái; lan tỏa tình yêu sách; từng bước xây dựng và phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập; giải tỏa áp lực sau một thời gian dài học trực tuyến.
Với nhiều hoạt động thiết thực, có thể nói, phong trào đọc sách cũng như văn hóa đọc trong các cơ sở giáo dục đã và đang được quan tâm nhiều hơn; nhận thức xã hội về sự cần thiết của việc đọc sách, thị hiếu đọc sách lành mạnh cũng được nâng lên, từ đó góp phần đưa sách trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong xu thế hiện nay.