Khơi dậy một tiềm năng
Năm 1992, tỉnh Hà Tĩnh được tái thành lập. Một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh quan tâm là xây dựng một số vùng kinh tế mới với mục tiêu: Khai thác tiềm năng gò đồi, góp phần giải quyết việc làm, phân bố lại dân cư, nâng cao đời sống và bảo vệ môi trường.
Khe Mây là vùng bán sơn địa của huyện Hương Khê, là một trong những địa danh đầu tiên được chọn để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Có 3 yếu tố cơ bản và quan trọng nhất về điều kiện tự nhiên quyết định việc lựa chọn loài cây nào để xây dựng mô hình đó là: Các yếu tố khí tượng (ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm không khí); nước và đất. Kết quả thẩm định cho thấy, vùng Khe Mây phù hợp với các loài cây ăn quả có múi như cam, bưởi, đều là những loài ưa ẩm, ít chịu hạn. Theo đó, cam bù được trồng từ lâu đời ở huyện Hương Sơn và, bưởi Phúc Trạch được xem là xuất xứ ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê được lựa chọn trồng tại Khe Mây.
Bưởi Phúc Trạch, cam bù là những loài cây lâu năm, nhưng lại nhanh cho thu hoạch, đã ra quả bói vào năm thứ ba sau khi trồng. Cam bù cho thu hoạch trong vòng 25-30 năm. Trong khi đó bưởi Phúc Trạch thời gian thu hoạch còn lâu hơn và được đánh giá cao về chất lượng. Cây bưởi trưởng thành chiếm diện tích từ 20-30m2, trung bình cho 100-150 quả, vào năm 1993 có giá trị tương đương 150kg thóc. Cam bù nổi tiếng do hương vị ngọt đậm, màu sắc, dáng quả đẹp, chín muộn, thường vào Tết âm lịch. Theo thời giá năm 1993, một cây cam bù có 300 quả bán đi mua được 6 tạ thóc. Nếu 1ha trồng 400 cây cam bù, trung bình cho thu hoạch khoảng 80-100 triệu đồng. Từ giá trị kinh tế như đã nêu, cam bù, bưởi Phúc Trạch chắc chắn sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân, biến vùng đất trống, đồi trọc chưa được sử dụng ở Khe Mây thành đất mang lại giá trị kinh tế cao, làm cho hệ sinh thái nông nghiệp phong phú hơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đầu năm 1993, 2.000 cây cam bù, bưởi Phúc Trạch, phân bón, kèm quy trình kỹ thuật và chăm sóc đã được chuyển tới Khe Mây. Đây là quà tặng nhân dân Khe Mây được trích từ kinh phí nghiên cứu khoa học của Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Việt Nam.
Năm 1993 là năm miền Trung hạn gay gắt. Đã thế, mới qua Tết mà Hà Tĩnh đã xuất hiện gió Lào. Hôm chở cây giống vào Khe Mây, chỉ đầu tháng 3, đã nóng 30 độ C. Trước đó mấy hôm, Hà Nội có người còn mặc áo rét. Khó mà biết được điều gì sẽ xảy ra sau khi trồng, trời tiếp tục nắng nóng và còn tai hại hơn nếu không may tiếp tục xuất hiện gió Lào. Cùng với cán bộ khoa học từ Hà Nội vào, cán bộ kỹ thuật của tỉnh Hà Tĩnh, người dân Khe Mây đã không quản ngại đổ mồ hôi xuống suối gánh nước tưới cho cây. Có lẽ lòng quyết tâm vượt lên nghèo khó đã nhận được sự trợ giúp từ thiên nhiên. Ngay buổi tối sau khi hoàn thành việc trồng 2.000 gốc cam bù và bưởi Phúc Trạch, một cơn mưa rào trút xuống không chỉ mang đến nguồn sống cho cây xanh mà còn tưới mát lòng người Khe Mây và các nhà khoa học. Cho đến nay, đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không quên được sự vui mừng hiện trên khuôn mặt của người dân Khe Mây khi họ tận mắt đón nhận những mầm lá xanh đầu tiên của cây cam bù, bưởi Phúc Trạch trên mảnh đất mà trước đây không lâu chỉ là lau lách, cỏ dại.
Năm 1999, nhân một chuyến công tác, tôi có dịp quay trở lại Khe Mây. Sáu năm qua đi thời gian chưa thể nói là dài nhưng Khe Mây đã thực sự thay da đổi thịt. Cư dân Khe Mây đã tăng lên 150 hộ. Khi xe vượt qua cây cầu gỗ bắc qua sông Ngàn Sâu chừng 1km, đập vào mắt tôi là những vườn cam trĩu quả dọc 2 bên đường. Đã thấp thoáng những căn nhà mái ngói đỏ tươi. Một ngôi trường khang trang, bề thế tọa lạc trên khu đất rộng. Một số gia đình đã có hàng nghìn gốc cam, bưởi, điển hình như gia đình anh Đinh Văn Oánh thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Người dân đã mua được máy bơm nước để tưới cây, không còn cảnh xuống suối gánh nước nữa. Chưa có điện lưới quốc gia nhưng một số hộ đã mua được máy phát điện để thắp sáng, nghe đài, xem vô tuyến … Vào năm 2018, ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết, cư dân Khe Mây hiện đã có 300 hộ trồng cam với diện tích khoảng 400ha. Nếu so với năm 1993, chỉ có 40 hộ dân thì Khe Mây đúng là vùng “đất lành chim đậu”.
Một điều đáng mừng là hiện nay người dân Khe Mây đã biết chăm sóc cam theo phương pháp sinh học. Không chỉ tận dụng chế phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây mà còn tự làm bẫy dính hoặc dùng thảo dược diệt sâu bệnh hại cây. Rải vỏ lạc vào gốc cây, khi hoại mục sẽ thành phân hữu cơ. Trong việc phòng trừ sâu bệnh cho cây đã biết sử dụng các loại thiên địch như bọ ngựa để bắt côn trùng gây hại, nhện giăng tơ bắt bướm có hại cho cam. Do chăm sóc vườn cam theo hướng sinh học, cam Khe Mây đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP an toàn và chất lượng. Tháng 9-2019, Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 68518/ĐQ-SHĐT về việc cung cấp chứng nhận nhãn hiệu cam Khe Mây, có hiệu lực trong 10 năm.
Hiện nay, Khe Mây đã trở thành vùng cây ăn quả lớn, có thương hiệu của huyện Hương Khê. Ngày 25-12-2019, tại Khe Mây đã tổ chức ngày hội cây ăn quả của tỉnh Hà Tĩnh. Có thể thấy, mô hình vườn rừng ở Khe Mây đã cùng một lúc giải quyết được hai nhiệm vụ quan trọng là phát triển kinh tế, nhằm xóa đói giảm nghèo và phủ xanh đất trống đồi núi trọc, khai thác tiềm năng của vùng đất đang có nguy cơ ngày càng thoái hóa theo hướng phát triển lâu bền, bảo vệ môi trường. Mô hình này cần được củng cố, phát triển.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-day-mot-tiem-nang-619626