Khơi dậy niềm tự hào biển đảo Việt Nam qua giao lưu thơ Xuân

Giao lưu thơ Xuân là một trong những hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam tổ chức thường niên vào mùng 4 Tết.

Buổi giao lưu thơ Xuân năm nào cũng đông vui với sự tham gia của các nhà thơ, người yêu thơ đại diện cho hội viên các câu lạc bộ (CLB) thơ trong tỉnh. Đó là: CLB thơ Việt Nam tỉnh Hà Nam (CLB này gồm có 6 chi hội thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố); CLB thơ văn Sông Châu, thành phố Phủ Lý; CLB thơ văn Núi Ngọc, huyện Kim Bảng; CLB thơ Facebook Sông Nhuệ; các nhà thơ của Tạp chí Sông Châu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam và hội viên các CLB thơ thuộc các phường, xã, thị trấn trong tỉnh. Chương trình giao lưu thơ Xuân năm nay mang chủ đề "Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời”.

Đông đảo nhà thơ và người yêu thơ tham dự Giao lưu thơ Xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời”. Ảnh: Bình Chu

Lấy chủ đề về biển đảo Việt Nam vì biển đảo có vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết đất nước. Khẳng định vị trí, vai trò của biển, đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?… Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, chủ đề "Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời” được Ban tổ chức xác định và đưa ra từ khá sớm giúp các nhà thơ có thời gian “thai nghén” và sáng tác. Tại buổi giao lưu đã có nhiều bài thơ hay, đặc sắc, bám sát chủ đề được trình bày.

Bài thơ “Truyền đời gìn giữ” của nhà thơ Nguyễn Anh Dũng khẳng định: “Tóc thù bạc bởi trống đồng/ Bánh chưng từ thuở vua Hùng vẫn xanh/ Núi cao dựng lũy xây thành/ Sông dài sông chảy mát lành phù sa/ Biển đảo khơi vẫn là nhà/ Truyền đời gìn giữ dù là tấc gang”.

Biển, đảo Việt Nam không chỉ trải suốt dọc chiều dài đất nước với hàng ngàn cây số bờ biển, với hàng ngàn hòn đảo từ Bắc vào Nam, mà ở sâu trong tiềm thức người Việt gắn với truyền thuyết về cội nguồn dân tộc và văn hóa biển đặc sắc: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo/Lạc Long cha nay chưa thấy trở về/ Lời cha dặn phải giữ từng thước đất/ Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi…/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”. Đó là những câu thơ đầy cảm xúc trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Xuân Công trong những câu thơ đầu của bài thơ “Gửi đảo xa” đã thốt lên bởi vẻ đẹp của biển đảo: “Sóng từng lớp dập dìu ôm lấy đảo/ Bình minh lên rực rỡ trời hồng/ Tiếng sóng vỗ ru lời biển cả/ Vọng về từ …Tha thiết… Đảo xa” và để bảo vệ vẻ đẹp ấy, nhà thơ khẳng định: “Đảo sử mấy ngàn năm từ thời dựng nước/ Nước non ta, ta quyết giữ để sinh tồn/ Mỗi lớp sóng như từng trang sách mở/ Thiên sử vàng của biển cứ dày thêm”.

Tết là thời điểm mà mỗi người dù đi xa nơi đâu cũng mong muốn trở về sum họp bên gia đình, quây quần bên bữa cơm tất niên đầm ấm. Thế nhưng, Tết với những người lính đang làm nhiệm vụ xa nhà là những nhớ thương gửi lại, là những bước chân vội vã tuần tra, là những ánh mắt dõi theo vùng biển, vùng trời quê hương. Với những hình ảnh đó, nhà thơ Lại Ngọc Ngà cảm tác: “Tết trên đảo anh có buồn không nhỉ?/ Bởi Tết này là xuân thứ bao nhiêu?/ Ăn Tết trên đảo, giữ vững tiền tiêu/ Canh biển trời quê hương ta đó/ Nơi hậu phương em vượt ngàn sóng gió/ Đến bên anh, người lính giữ đảo xa/ Đem quà Tết, hương vị quê nhà/ Trao tận tay anh, người chiến sỹ đảo/ Dù xa đấy nhưng ai vẫn bảo/ Đảo yêu thương gần lắm đấy thôi”.

Trong tâm khảm mỗi công dân yêu nước, từng tấc đất biên cương, biển, đảo Tổ quốc là một phần máu thịt, hội tụ linh khí quốc gia. Bài thơ: “Thiêng liêng biển đảo Việt Nam” của nhà thơ Trần Quốc Tuất có viết: “Đứng trước biển ta lặng nghe sóng hát/ Những khúc tình ca dào dạt dâng trào/ Biển đảo Việt Nam có tự thuở nào/ Là máu thịt không sao khác được/ Tổ tiên ta từ mấy ngàn năm trước/ Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ/ Chia đôi đàn con xuống biển lên bờ”.

Là tỉnh không giáp biển nhưng Hà Nam hướng về biển, đảo, thể hiện tình yêu với biển, đảo không chỉ bằng niềm tự hào mà còn bằng những hành động thiết thực. Cùng với những sáng tác về biển, đảo được ví như những cột mốc chủ quyền bằng văn chương của văn nghệ sỹ Hà Nam, nhiều năm qua, quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” góp phần xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam luôn được người dân Hà Nam nhiệt tình ủng hộ. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động hướng về biển, đảo Tổ quốc được triển khai, tạo sức lan tỏa sâu rộng như: Phát động vẽ tranh, viết thư, sáng tác thơ gửi các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa; tổ chức cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”; Triển lãm tư liệu và bản đồ “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Những lần tham gia Hội thi Tuyên truyền lưu động toàn quốc “Biển và Hải đảo Việt Nam”, phần dự thi của Hà Nam luôn được đánh giá cao bởi nội dung phong phú, sự dàn dựng công phu, có tính nghệ thuật cao. Những hoạt động đó đã góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo cho các thế hệ người Hà Nam, nhất là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/khoi-day-niem-tu-hao-bien-dao-viet-nam-qua-giao-luu-tho-xuan-115525.html