Khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội

Phát biểu trong chương trình 'Ngày hội văn hóa vì hòa bình' tổ chức vào sáng 6/10/2024, tại Thủ đô Hà Nội, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: TP Hà Nội luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các di sản vật thể và phi vật thể; lịch sử của Hà Nội luôn giao thoa với hiện đại, với sự đổi mới và sáng tạo.

Liên hợp quốc và UNESCO rất vinh dự phối hợp với Hà Nội trong triển khai nhiều dự án hợp tác trong hơn 25 năm qua, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố.

Hà Nội tái hiện hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Hà Nội tái hiện hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Bà Pauline Tamesis cũng đánh giá, với quyết tâm cao của lãnh đạo Hà Nội trong tăng cường hợp tác công tư để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, lấy giới trẻ làm nòng cốt, có thể thấy Hà Nội đã xác định văn hóa là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã và đang huy động hiệu quả nguồn lực từ thế hệ trẻ tham gia quá trình đổi mới sáng tạo, phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố đáng sống hơn cho mọi người dân.

Thủ đô Hà Nội của chúng ta, với bề dày hơn 1.000 năm văn hóa - lịch sử, đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng những danh hiệu cao quý như: "Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người"; được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng"; được UNESCO công nhận "Thành phố vì hòa bình" năm 1999 và "Thành phố sáng tạo" năm 2019, khẳng định những nỗ lực không ngừng đổi mới trong những năm qua - đó là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt.

Trở lại với đánh giá của bà Pauline Tamesis về việc “Hà Nội xác định văn hóa là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội” và đang “tăng cường hợp tác công tư để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo” thì đấy đều là những định hướng trong hành trình phát triển, như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định là để xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", thành phố kết nối toàn cầu, điểm đến "An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn" với bạn bè quốc tế, nhằm hoàn thành sứ mệnh của Thủ đô với "Tầm vóc mới - Vị thế mới".

Trước đó, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong nghị quyết này, lãnh đạo Hà Nội xác định quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Hà Nội đã được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) vào ngày 30/10/2019. Và, ngay trong Nghị quyết số 09-NQ/TU, lãnh đạo Hà Nội đã nhấn mạnh đến việc chú trọng gắn kết giữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với xây dựng và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Việc gắn kết này cũng nhằm khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội, cảm hứng sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển trong đội ngũ cán bộ và mỗi người dân Hà Nội cũng như toàn xã hội, cộng đồng, hướng tới xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nói phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là nói trên góc độ định hướng chung. Và, rõ ràng trong sự phát triển chung đó, có vai trò quan trọng của lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, khi mà Hà Nội đã và luôn là một “vùng địa - văn hóa thẩm mĩ trong văn học nghệ thuật”, như nhiều nhà lý luận phê bình về văn học nghệ thuật khẳng định.

Trong thực tế, việc sáng tạo văn học nghệ thuật về Hà Nội luôn là đề tài thu hút nhiều văn nhân, nghệ sĩ. Riêng trong lĩnh vực văn học, chúng ta có thể hình dung ra một Thăng Long rất xưa qua những trang viết của Lê Hữu Trác trong “Thượng kinh ký sự”; một Hà Nội những năm trước cách mạng trong văn thơ của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài... Những con người Hà Nội đậm “chất Hà Nội” tài hoa, thanh lịch, trữ tình trong “Sống mãi với Thủ đô” (Nguyễn Huy Tưởng), “Phố” (Chu Lai), “Bóng nước hồ Gươm” (Chu Thiên), “Mùa lá rụng trong vườn” (Ma Văn Kháng)...

Dù vậy, lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng, văn hóa của chúng ta nói chung, dù là sáng tạo ở mảng đề tài nào, cũng vẫn đang thiếu những tác phẩm tầm cỡ. Riêng về đề tài Hà Nội, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới với nhiều thành tựu như bạn bè quốc tế đã đánh giá, thì rõ ràng là hiện nay văn học nước nhà vẫn chưa có nhiều tác phẩm tầm cỡ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng lưu ý trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, ngày 24/11/2021, rằng chúng ta đang “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”.

Khi xác định “Văn hóa còn là dân tộc còn”, Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời kỳ đều luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng để văn học nghệ thuật được phát triển, văn nghệ sĩ được tự do sáng tạo, được hỗ trợ để sáng tác, nhằm tạo ra những tác phẩm hướng công chúng vào việc phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc và những giá trị Chân - Thiện - Mĩ.

Vấn đề còn lại là ở năng lực và trách nhiệm của chính mỗi văn nghệ sĩ.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khoi-day-niem-tu-hao-tinh-yeu-ha-noi-i746731/