Khơi dậy phong trào khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số
Đã qua rồi thời kỳ phụ nữ dân tộc thiểu số quanh quẩn bên nương rẫy, bếp núc,... Bằng sự quyết tâm và nghị lực vượt khó, họ dám dấn thân khởi nghiệp để khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Dám nghĩ, dám làm
Nếu như trước đây, phụ nữ dân tộc thiểu số thường được coi là yếu kém, không có tiếng nói trong cộng đồng thì hiện tại, họ đã tự mình vươn lên bằng con đường khởi nghiệp. Họ khởi nghiệp thành công, họ làm chủ doanh nghiệp của mình, rất nhiều sản phẩm của họ đã góp phần làm giàu cho quê hương, bản làng.
Đến với hợp tác xã Ara Tay Coffe tại xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, tận mắt thấy những sản phẩm cà phê được chế biến cầu kỳ, đóng gói hiện đại ắt hẳn ít ai nghĩ rằng đó chính là thành quả tâm huyết của những người phụ nữ Thái ở mảnh đất Sơn La này.
Ra đời vào tháng 3/2020, hợp tác xã Ara Tay Coffe là mô hình khởi nghiệp được tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ dành cho các chị em có chung chí hướng, sau 3 năm, hợp tác xã đã có những chuyển biến đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ về cơ duyên hình thành nên hợp tác xã Ara Tay Coffee, chị Lường Thị Pành, đại diện của hợp tác xã cho biết: “Khi được tới Lâm Đồng tham quan, khảo sát về mô hình sản xuất cà phê đặc sản, trong đầu tôi đã nảy ra ý tưởng đầu hình thành nên mô hình hợp tác xã sản xuất cà phê. Hiện tại, hợp tác xã là có 14 thành viên, kể từ khi tham gia vào hoạt động sản xuất cà phê đặc sản này thì cuộc sống của chị em thay đổi rất nhiều, trung bình thu nhập 40 - 45 triệu đồng/người/năm.”
Hay như tỉnh Bắc Kạn, nhận thấy tiềm năng từ những nông sản bản địa như: măng, chuối, mật ong, năm 2015, chị Lý Thị Quyên, một phụ nữ dân tộc Dao ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã đứng ra vận động các chị em trong xã cùng thành lập hợp tác xã sản xuất các sản phẩm này.
Những ngày đầu “chân ướt chân ráo", kinh nghiệm không có lại thiếu vốn, thiếu máy móc nên quá trình khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh kém, không tạo được sức hút trên thị trường khiến hợp tác xã Thiên An của các chị đứng trước nguy cơ giải thể.
Không từ bỏ quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, sau thời gian trăn trở, năm 2019, chị Quyên quyết định chuyển hướng phát triển một số sản phẩm độc đáo hơn, đó là thuốc tắm thảo dược và các loại gối dược liệu thổ cẩm. Đây vốn là những bài thuốc gia truyền của phụ nữ Dao dưới chân dãy núi Phja Boóc. Đến nay, hợp tác xã đã có 3 loại thảo dược được chứng nhận OCOP 3 sao và được người tiêu dùng đón nhận với doanh thu hằng năm hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động nữ.
Với những tỉnh vùng cao, mặt bằng dân trí còn hạn chế thì việc ngày càng nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia làm chủ doanh nghiệp đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của những người phụ nữ vốn quanh năm chỉ biết lo lắng việc trong bếp, dưới sàn. Họ đã từng bước chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Thời gian qua, có rất nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp cùng các hoạt động bình đẳng giới đã diễn ra, đặc biệt phải kể đến sự thành công của Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ phụ nữ là người dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế.
Từ Đề án này, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021- 2025 sẽ hỗ trợ 12.500 phụ nữ kinh doanh khởi nghiệp tại các tỉnh, thành, hỗ trợ thành lập tối thiểu 600 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có khoảng 200 hợp tác xã được các cấp hội hỗ trợ thành lập tại các vùng, miền.
Tạo sinh kế bền vững, mở ra cơ hội việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn riêng, rất đặc thù trong hành trình khởi nghiệp, đặc biệt nước ta đang phải đối mặt với những "cơn gió ngược" của kinh tế toàn cầu.
Do đó, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của bản thân các chị em mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành, ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Sẽ ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, hợp tác xã của phụ nữ đứng lên trong khó khăn, ghi danh trong danh sách những dự án khởi nghiệp thành công của Việt Nam, của khu vực và của thế giới. Từ đó đóng góp cho một Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, bao trùm, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc."
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, nhất là cơ chế hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, tập huấn nâng cao năng lực toàn diện, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp...
Thêm vào đó, tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và đối tượng thụ hưởng của các quỹ đầu tư khởi nghiệp các cấp để ngày càng có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận với các quỹ, bảo đảm nguồn lực để hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Đồng thời, cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, hợp tác quốc tế cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua các diễn đàn, hội chợ, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư; hỗ trợ kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu, sử dụng sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Hy vọng, với sự hỗ trợ nguồn lực từ nhiều chương trình, chính sách, phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện thể hiện kinh doanh, phát triển kinh tế qua đó nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội.