Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó khăn, huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy nội lực của Nhân dân để nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Quang Kim là địa phương đầu tiên được lựa chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Bát Xát năm 2023. Đây là cơ sở để cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huy động hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của Nhân dân, tập trung các nguồn lực thực hiện các tiêu chí.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, cấp ủy đảng, chính quyền xã Quang Kim đã tích cực vận động người dân tham gia hiến đất, chung sức mở rộng, nâng cấp, tu sửa hệ thống giao thông nông thôn. Người dân hiến hàng nghìn m2 đất để nâng cấp, mở rộng tuyến đường thôn Tả Trang và thôn Vi Kẽm, với tổng chiều dài hơn 1 km; tuyến đường liên thôn Làng Pẳn - Làng Kim dài 230 m; vận động người dân thôn Làng San hiến đất, xã hội hóa 100% kinh phí nâng cấp 160 m đường ngõ xóm… Nhiều hộ tình nguyện hiến hàng trăm m2 đất, như gia đình ông Bùi Văn Quyến hiến 600 m2 đất; gia đình ông Trần Văn Cường hiến 400 m2 đất nâng cấp tuyến đường thôn Tả Trang...

Xã Quang Kim cũng huy động người dân thôn An Thành đóng góp hơn 58 triệu đồng làm đường điện thắp sáng dài 1,1 km; huy động hơn 7.500 ngày công của người dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh; kêu gọi Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thắng hỗ trợ 500 bóng đèn năng lượng mặt trời công suất 300 W và người dân đóng góp ngày công thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê” trên nhiều tuyến đường huyết mạch của xã...

Ông Ngô Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: Trong bối cảnh các nguồn lực còn hạn chế, tiến độ giải ngân các nguồn vốn chậm, việc huy động sức dân có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xã Quang Kim nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, qua đó phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Thay đổi tư duy từ chỗ thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước sang tư duy người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.

“Bên cạnh việc huy động các nguồn lực từ trong Nhân dân để thực hiện các tiêu chí, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực vận động người dân phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, nguồn vốn để duy trì và mở rộng, đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ mà xã có lợi thế. Vận động người dân phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Thành lập thêm các nhóm sở thích về phát triển kinh tế tại một số thôn. Tạo điều kiện để người dân thành lập, duy trì và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thu hút sự tham gia của người dân. Tiếp tục khảo sát các loại cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân... giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo nền tảng tốt để người dân chủ động, tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao” - ông Ngô Hoàng Sơn nói.

Tại xã Võ Lao (huyện Văn Bàn), phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” diễn ra sôi nổi. Tiêu biểu như thôn Là 1 và Lủ 2, tuyến đường Là 1 - Lủ 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015, đến nay nhiều đoạn xuống cấp, mặt đường theo thiết kế cũ (rộng 3 m) không còn đáp ứng được nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân nên cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã vận động người dân “dịch rào, hiến đất” nâng cấp, mở rộng đường.

Sau nhiều lần họp bàn, các hộ có đất nơi tuyến đường đi qua đã đồng thuận, nhiều hộ sẵn sàng đập tường rào kiên cố, chặt cây trồng lâu năm để “nhường” đất làm đường. Kết quả, người dân 2 thôn đã hiến hơn 3.000 m2 đất, tham gia 200 ngày công lao động và đóng góp hơn 100 triệu đồng mở rộng mặt đường lên 6 m...

Ngoài 2 xã nêu trên, còn rất nhiều địa phương khác có những cách làm hay, sáng tạo để tập hợp Nhân dân, huy động nguồn lực, phát huy nội lực, vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã huy động được hơn 66 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó có 3,5 tỷ đồng; 113,6 nghìn ngày công lao động; người dân hiến hơn 300.000 m2 đất và nhiều hiện vật khác làm đường giao thông và các công trình khác… Đó là những con số “biết nói” thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để huy động các nguồn lực nhằm thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Những kết quả đạt được thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát huy nội lực của toàn dân thúc đẩy các phong trào thi đua, khơi dậy khát vọng để người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, giàu mạnh, kiến tạo nên những “miền quê đáng sống”.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khoi-day-suc-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-post376578.html