Khơi dậy tiềm năng mặt nước

Bình Thuận có năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước, tốc độ gió, bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất thuận lợi phát triển điện gió, điện mặt trời. Cái nắng - gió của Bình Thuận đã biến thành lợi thế thu hút hàng trăm nhà đầu tư ở trong và ngoài nước. Bộ Chính trị đã xác định Bình Thuận sẽ là một trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.

Khơi dậy tiềm năng mặt nước

Nhưng vấn đề “đau đầu” các nhà đầu tư là quỹ đất, vì làm điện mặt trời cần diện tích rất lớn để lắp đặt các tấm pin mặt trời (nếu xây dựng nhà máy điện mặt trời công suất 100 MW cần phải có 120 ha đất). Trong lúc đất chật người đông, chi phí giải phóng mặt bằng lớn, tiền thuê đất (hay mua đất) cũng rất lớn, chưa kể nhiều diện tích ven biển Bình Thuận vướng titan không xây dựng được.

“Trong cái khó, ló cái khôn”. Xu thế của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam hiện nay là tận dụng các mặt nước lâu nay bỏ hoang hóa để lắp đặt dàn pin mặt trời trên các hồ thủy lợi, thủy điện, đầm nuôi tôm, khu nước lợ, rừng ngập mặn, rừng sản xuất, hay các vùng biển ven bờ. Điện mặt trời nổi vừa triệt để tiết kiệm đất đai canh tác nông nghiệp, đầu tư lại thấp, hiệu suất lại vượt trội hơn 11% so với lắp trên mặt đất, chi phí vận hành, bảo dưỡng cũng giảm.

Là tỉnh khô hạn, Bình Thuận có rất nhiều hồ thủy lợi, thủy điện lớn như: hồ Sông Quao, hồ Cà Giây, hồ Sông Lòng Sông, hồ Sông Móng, hồ Đá Bạc, hồ Sông Dinh 3, hồ Đại Ninh, hồ Hàm Thuận - Đa Mi... Nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên ra đời ở Việt Nam là tại hồ thủy điện Đa Mi, do EVN đầu tư, công suất 47.5 MWp, trên 57 ha mặt hồ, tổng vốn 1.500 tỷ đồng, sản xuất 70 triệu KWh điện/năm.

Nhiều nhà đầu tư cũng đang đăng ký dự án điện mặt trời nổi ở hồ Cà Giây (Bắc Bình), đó là dự án công suất 49,5 MW của Việnnghiên cứu Cơ khí, có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, diện tích khoảng 200 ha mặt nước. Hay Công ty CP năng lượng Bitexco đăng ký đầu tư 2 dự án là nhà máy điện mặt trời hồ Cà Giây, công suất 150 MW, vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng (diện tích 156 ha) và nhà máy điện mặt trời hạ du hồ Cà Giây, công suất 50 MW, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, diện tích 55 ha... Tiềm năng điện mặt trời nổi ở Bình Thuận còn rất lớn, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều nhà máy điện mặt trời trên các hồ thủy lợi, thủy điện và cả trên mặt biển.

Nếu Hàm Thuận - Đa Mi là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên ở Việt Nam, thì Thăng Long Wind là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Dự án này nằm ngoài khơi mũi Kê Gà (cách Kê Gà 20-50 km, nơi có tốc độ gió đến 9,5m/s), do Tập đoàn EE vương quốc Anh làm chủ đầu tư, có công suất 3.400 MW, số vốn đầu tư gần 12 tỷ USD. Đây là dự án điện gió lớn nhất nước ta hiện nay, góp phần quan trọng cung cấp năng lượng quốc gia. Hiện Tập đoàn EE đang tiến hành khảo sát, đánh giá, lập báo cáo khả thi trình Chính phủ phê duyệt.

Qua thăm dò ý kiến, trước sự lo ngại của bà con ngư dân Bình Thuận, Tập đoàn EE cũng giải thích rõ dự án sẽ không cản trở hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân, vì khoảng cách giữa các tua bin gió là 1 km, tàu thuyền có thể đi qua khoảng giữa 2 trụ điện gió bình thường. Tất cả tua bin gió đều lắp đặt hệ thống đèn báo hiệu an toàn.

Để “lót ổ đón đại bàng” về, tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua, đoànđại biểuquốc hội tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương sớm bổ sung dự án Thăng Long Wind vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cần có cơ chế, chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển mạnh loại năng lượng tái tạo này. Có thể nói tiềm năng điện mặt trời nổi hay điện gió ngoài khơi của Bình Thuận sẽ còn thu hút thêm nhiều “đại bàng” nữa tìm về.

Hiện Bình Thuận đang nỗ lực kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ “điểm nghẽn” là vấn đề truyền tải, hạ tầng lưới điện không đáp ứng được do phần lớn dự án điện mặt trời và điện gió tập trung ở khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận.

Khôi Nguyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-de-va-su-kien/khoi-day-tiem-nang-mat-nuoc-128916.html