Khơi dậy tiềm năng sáng tạo trẻ

Với mục tiêu tạo sân chơi bổ ích, khơi dậy niềm đam mê tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu khoa học trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng, Cuộc thi 'Sáng tạo trẻ Quảng Trị' lần thứ VIII, năm 2019 tiếp tục là minh chứng sinh động về sức sáng tạo của thế hệ trẻ.

 Ban chỉ đạo Cuộc thi “Sáng tạo trẻ huyện Vĩnh Linh” tổ chức chấm các sản phẩm dự thi để chọn ra các sản phẩm có chất lượng tham gia dự thi cấp tỉnh

Ban chỉ đạo Cuộc thi “Sáng tạo trẻ huyện Vĩnh Linh” tổ chức chấm các sản phẩm dự thi để chọn ra các sản phẩm có chất lượng tham gia dự thi cấp tỉnh

Sau gần 8 tháng phát động cuộc thi, toàn tỉnh có trên 1.420 tác giả, nhóm tác giả tham gia dự thi với 530 sản phẩm. Theo đánh giá của ban tổ chức, qua thu nhận các mô hình, sản phẩm dự thi năm nay tăng về số lượng và chất lượng, trong đó phần ý tưởng và sáng tạo trong mỗi sản phẩm được các em đầu tư chú trọng, có tính khả thi và nhiều khả năng nhân rộng. Từ những ước mơ, khát vọng giải quyết các yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống thường ngày, các em đã nghiên cứu, làm ra những sản phẩm có giá trị thiết thực đối với đời sống thực tiễn. Cụ thể, có 79/145 sản phẩm đạt giải cấp huyện tham gia dự thi cấp tỉnh, thuộc 5 lĩnh vực dự thi: Sản phẩm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế; sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm đồ dùng dành cho học tập; sản phẩm dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; sản phẩm phần mềm tin học. Trong đó, thành phố Đông Hà có 15 sản phẩm; huyện Triệu Phong có 9 sản phẩm; huyện Cam Lộ có 10 sản phẩm; huyện Vĩnh Linh có 11 sản phẩm; huyện Hải Lăng có 10 sản phẩm; huyện Gio Linh có 5 sản phẩm; huyện Hướng Hóa có 3 sản phẩm; huyện Đakrông có 16 sản phẩm.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Khánh Vũ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị” lần thứ VIII, năm 2019 cho biết: “Với nhiệm vụ được giao là cơ quan thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật, Đài Phát thanhTruyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền sâu rộng trên website Tỉnh đoàn, website Sở Giáo dục và Đào tạo, các phương tiện thông tin đại chúng về cuộc thi, phổ biến đến các nhà trường, các cấp bộ đoàn, đội và đông đảo các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nhằm khuyến khích, động viên các em trong lứa tuổi có niềm đam mê sáng tạo nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi. Nếu như trước đây, các đề tài đa phần thể hiện ý tưởng là chính thì hiện nay được đánh giá cao hơn về tính kĩ thuật, hiệu quả, khả năng vận hành và ứng dụng vào thực tế. Hầu hết ý tưởng sáng tạo của các em đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, thể hiện sự đam mê, khám phá của thanh thiếu niên, nhi đồng”.

Đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ, em Dương Phúc Hiếu, học sinh lớp 12 Sinh, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tác giả nhiều năm liên tục có sản phẩm chất lượng tham gia dự thi, năm nay Hiếu đã dành thời gian nghiên cứu, sáng tạo và cho ra đời sản phẩm “Hệ thống trồng cây công nghệ cao”, tham gia dự thi thuộc lĩnh vực sản phẩm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế. Sản phẩm của em nhằm xây dựng môi trường có khả năng thu thập các thông số sinh trưởng tối ưu cho một số loại cây để phát triển khả năng tự xử lí biến cố bằng phương pháp học máy. Chia sẻ về lí do lựa chọn đề tài, Hiếu cho biết: “Em được biết, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc trồng và chăm sóc một số giống hoa như hoa li, hoa loa kèn… Sản phẩm mà em nghiên cứu có nhiều ưu điểm vượt trội như có thể kiểm soát tốc độ sinh trưởng, khả năng ra hoa ở thực vật bằng cách tích hợp 2 công nghệ tưới phun sương và nhỏ giọt, sử dụng cảm biến độ ẩm đất kiểu đo điện dung thay thế cho kiểu đo điện trở, xây dựng hệ thống bón phân dựa trên cảm biến nồng độ chất dinh dưỡng…, hệ thống trồng cây công nghệ cao sẽ giúp người nông dân giảm tối đa chi phí đầu tư nhân công nhưng quá trình phát triển của cây trồng vẫn được tối ưu hóa mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào môi trường tự nhiên”.

Hay như mô hình “Ứng dụng chấm trắc nghiệm PASCAL” của em Nguyễn Sơn Hà, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Cam Lộ cũng là một trong những sản phẩm nổi bật, mang tính ứng dụng cao, giúp các thầy cô giáo trong việc chấm điểm các bài thi trắc nghiệm một cách khách quan, nhanh chóng và chính xác. “Phần mềm sử dụng trên hệ điều hành Android giúp người dùng có thể nhập đáp án bằng nhiều hình thức như scan, nhập trực tiếp, nhập qua bảng tính Excel, từ đó người dùng có thể chấm điểm mọi lúc, mọi nơi”, Hà chia sẻ về những ưu điểm của sản phẩm phần mềm tin học do mình sáng chế. Cũng theo Hà, cuộc thi là sân chơi bổ ích, là cơ hội để những người trẻ đam mê sáng tạo như em có thể gặp gỡ, trải nghiệm, từ đó ngày càng phát huy nhiều hơn nữa những sáng kiến, công trình nghiên cứu hữu ích.

Cũng tại Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị” lần thứ VIII, năm 2019, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới là các em học sinh bậc tiểu học, với nhiều mô hình, sản phẩm hữu ích và thiết thực, được hội đồng chấm thi khen ngợi và đánh giá cao về khả năng tư duy, sáng tạo ngay từ lứa tuổi nhi đồng. Điển hình như sản phẩm “Cối giã gạo bằng sức nước” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thảo, học sinh Trường Tiểu học Đông Giang, TP. Đông Hà; sản phẩm “Tận dụng các vật liệu phế phẩm để tạo ra tác phẩm nghệ thuật” của nhóm tác giả Nguyễn Khánh Chi, Nguyễn Thị Thanh Tú, học sinh Trường Tiểu học Cam An, huyện Cam Lộ; sản phẩm “Bức tranh một thoáng Việt Nam” được làm từ những nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung, học sinh Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi, Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị” không chỉ là nơi để thanh thiếu nhi trong tỉnh thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học mà thông qua đó các em còn được gửi gắm ước mơ, khát vọng trong tác phẩm của mình. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới các cấp, các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các em phát huy khả năng của mình, tăng cường tuyên truyền, tuyên dương điển hình những cá nhân, nhóm tác giả đoạt giải trong cuộc thi cũng như trưng bày các sản phẩm cuộc thi của các năm giúp các em khơi nguồn sáng tạo... Từ đó, nâng cao tính hiệu quả của cuộc thi, đưa phong trào sáng tạo ngày càng sâu rộng, lan tỏa trong nhà trường và toàn xã hội.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142759