Khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân Minh Hóa

Năm 2024, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đang phát huy hiệu quả tại huyện Minh Hóa, một huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Bình.

Thông tin tại Hội nghị lần thứ 38 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình (khóa XXI) diễn ra ngày 27/9 cho thấy trong 3 quý đầu năm 2024, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, triển khai có hiệu quả.

Đến nay, toàn huyện đạt 207 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, bình quân đạt 14,79 tiêu chí/xã; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 vườn mẫu được công nhận. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm thêm 1,05%. Công tác dân vận được quan tâm đẩy mạnh, tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” giúp các thôn, bản thuộc 4 xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự.

Minh Hóa là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2024, huyện Minh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu giảm 827 hộ nghèo và cận nghèo. Cụ thể, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 3,01% (tương đương giảm 428 hộ nghèo), đưa tỷ lệ hộ nghèo về 12,3%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo thêm 2,8% (tương đương giảm 399 hộ cận nghèo), đưa tỷ lệ cận nghèo về 14,93%.

So với toàn tỉnh, tỷ lệ nghèo đa chiều (bao gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo) của huyện Minh Hóa còn cao. Kết quả giảm nghèo dù chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng đây là nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện. Trong năm, toàn huyện có 26 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát hộ nghèo và cận nghèo, trong đó thị trấn Quy Đạt có 2 hộ; xã Thượng Hóa có 20 hộ; xã Hóa Tiến có 4 hộ.

Riêng tại thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, có 14 hộ dân tự nguyên viết đơn xin được thoát nghèo. Trong 192 hộ của toàn thôn miền núi rẻo cao này chỉ còn 5 hộ nghèo, chủ yếu do già cả và mất sức lao động, rất khó để thoát nghèo. Số hộ cận nghèo giảm thêm 14 hộ, về còn 37 hộ.

Để có được kết quả khả quan đó, lãnh đạo và người dân thôn Phú Nhiêu đều cho rằng nhờ vào nguồn sinh kế được hỗ trợ kịp thời, đúng cách, khơi dậy niềm tin và ý chí thoát nghèo của người dân.

Nguồn sinh kế được hỗ trợ kịp thời, đúng cách, khơi dậy niềm tin và ý chí thoát nghèo của người dân.

Nguồn sinh kế được hỗ trợ kịp thời, đúng cách, khơi dậy niềm tin và ý chí thoát nghèo của người dân.

Một trong số đó là gia đình anh Trương Chí Vân. Người đàn ông 34 tuổi này kể vợ chồng anh xuất phát đều là con nhà nghèo, lấy nhau về, họ chỉ dựng được ngôi nhà tạm bợ. Đầu tắt mặt tối quanh năm với việc bóc vỏ cây keo, tràm và ai thuê gì thì làm nấy khiến thu nhập rất bấp bênh, chật vật nuôi 2 con nhỏ, không tích cóp nổi đồng vốn nào.

Dẫu vậy, anh Vân vẫn nuôi ý chí thoát nghèo. Cuối năm ngoái, vợ chồng anh quyết định đăng ký với xã và được hỗ trợ mô hình sinh kế với 4 con lợn giống thương phẩm. Anh nhẩm tính, nếu chịu khó trồng thêm rau xanh, đi lấy thêm các loại rau, củ, quả, cây chuối ở rừng về làm thức ăn cho đàn lợn, gia đình sẽ giảm bớt đáng kể chi phí đầu tư trong chăn nuôi. Bởi vậy, anh đã quyết tâm viết đơn xin thoát nghèo.

Năm 2024, mô hình sinh kế giảm nghèo mà xã trao cho gia đình anh đã mang lại tín hiệu khả quan, đàn lợn sinh trưởng tốt. Anh dự định khi đàn lợn đạt khoảng 70kg thì xuất chuồng, mua lại lợn giống để tái đàn. Người đàn ông này cũng dự tính mua thêm bò, gà, ngan đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trên toàn huyện Minh Hóa, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm qua huyện dành nguồn kinh phí trên 10 tỷ đồng triển khai nhiều giải pháp để giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vươn lên. Các xã, thị trấn đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững... Gần 120 gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây, sửa nhà trong năm 2023.

Mới đây, ngày 30/9, 30 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang có nhà ở tạm bợ, dột nát trên địa bàn huyện Minh Hóa được trao số tiền 3 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết. Chính quyền, mặt trận các cấp, các tổ chức, nhân dân trong huyện cũng hỗ trợ các gia đình về ngày công, vật liệu, để sớm hoàn thiện nhà ở, đảm bảo chất lượng tiến độ thi công.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện hàng chục chương trình tín dụng ưu đãi nhằm phát triển kinh tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xây dựng nhà ở xã hội, vay sinh viên… Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng được giải ngân từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Minh Hóa đạt gần 103 tỷ đồng.

Các chương trình tín dụng tập trung tăng trưởng trọng tâm như: Cho hơn 630 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn với doanh số 40,64 tỷ đồng; cho hơn 260 lượt người lao động vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với doanh số hơn 14,1 tỷ đồng; 200 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với doanh số hơn 15,2 tỷ đồng.

Huyện đặt mục tiêu trong năm 2024 quan tâm đa chiều dịch vụ xã hội cơ bản với người nghèo, cận nghèo. Trong đó, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm.

Bên cạnh đó, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi còn 17%; trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 97%; 70% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khoi-day-y-chi-thoat-ngheo-cua-nguoi-dan-minh-hoa-quang-binh-2327866.html