Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

PTĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu: 'Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,02%; hộ cận nghèo giảm còn 8,14% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020'.

Ông Nguyễn Đình Ngự (khu Liên Đồng, xã Cự Đồng) thoát nghèo nhờ đẩy mạnh tăng gia, sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Ngự (khu Liên Đồng, xã Cự Đồng) thoát nghèo nhờ đẩy mạnh tăng gia, sản xuất.

PTĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,02%; hộ cận nghèo giảm còn 8,14% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020”. Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ theo hướng khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.

Tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo
Ba năm trở lại đây, năm nào UBND xã Cự Đồng cũng nhận được những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của người dân trên địa bàn. Gia đình của ông Nguyễn Đình Ngự tại khu Liên Đồng - một trong những hộ nghèo của xã trước kia, ngôi nhà bê tông kiên cố đã được dựng lên bên cạnh ngôi nhà tranh vách đất. Trước đây, nhận thức còn hạn chế nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi không hiệu quả.Khoảng năm năm trở lại đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cho ông Ngự đi học các lớp tập huấn về kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt nên cuộc sống của gia đình ông đã có những thay đổi tích cực. Tiếp thu kiến thức học được, ông về nhà xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Năm 2020, thu nhập của hộ ông Nguyễn Đình Ngự đạt bình quân 7 triệu đồng/tháng. Ngoài yếu tố thu nhập, các tiêu chí an sinh xã hội khác như tiếp cận thông tin, trình độ giáo dục và tham gia bảo hiểm y tế của gia đình ông đều được đảm bảo. Tháng 6 năm 2020, ông Ngự viết đơn xin tự nguyện ra khỏi hộ nghèo. Ông cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi đã trở nên đầy đủ hơn nên tôi muốn nhường lại sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn”.Cũng giống như ông Ngự, bà Đinh Thị Điền tại khu Đình, xã Tất Thắng đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo vào cuối năm 2020. Chồng bà là thương binh hạng 2/4 với 61% thương tật vĩnh viễn, mọi công việc trong gia đình đều do bà Điền cáng đáng. Tuy là đối tượng chính sách nhưng ông bà chưa bao giờ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, luôn chủ động trước mọi hoàn cảnh, ông bà nuôi gà thả vườn, đào ao thả cá và làm thuốc gia truyền chữa bệnh cho người dân. Tuy thu nhập không cao nhưng việc viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của bà Điền đã tạo động lực cho những người xung quanh vươn lên phát triển kinh tế và tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới. Bà chia sẻ: “Khu Đình là khu kiểu mẫu của xã Tất Thắng. Vì vậy, càng ít hộ nghèo đồng nghĩa với kinh tế phát triển, đời sống người dân chúng tôi được nâng lên”. Tinh thần lạc quan, tình yêu lao động, quyết tâm ra khỏi diện hộ nghèo để tự vươn lên làm chủ cuộc sống của ông Ngự, bà Điền thật đáng trân trọng. Nhờ những nỗ lực chung ấy, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn huyện năm 2020 giảm lần lượt 2,01% và 1,95% so với năm 2019.

Gia đình bà Đinh Thị Điền (khu Đình, xã Tất Thắng) phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi gà thả vườn.

Gia đình bà Đinh Thị Điền (khu Đình, xã Tất Thắng) phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi gà thả vườn.

Thực hiện đồng bộ các giải phápThực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng nguồn lực huy động cho Chương trình trên địa bàn huyện trong 4 năm qua là hơn 462 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 107 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là hơn 145 tỷ đồng; vốn lồng ghép là hơn 198 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư là gần 11 tỷ đồng.Các nguồn vốn tập trung thực hiện những dự án như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình...Huyện thực hiện hỗ trợ 36.196 con gia súc, gia cầm chăn nuôi cho gần 4.000 hộ; hỗ trợ 2.443 thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất cho 2.419 hộ. Tổ chức 55 lớp đào tạo nghề cho 1.849 lao động; giải quyết việc làm cho 5.926 lao động; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, xuất khẩu lao động, đưa 8.270 lao động xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài...Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn tiếp tục xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo. Trong đó, trọng tâm là tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập thông qua các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, chính sách tín dụng, ưu đãi.Bà Đinh Thị Kiều An - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau khi được ban hành đã có nhiều đổi mới trong việc xác định các tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Ngoài thu nhập được ước lượng thông qua tài sản hộ gia đình thì còn tính đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin... Điều này không chỉ giúp địa phương dễ dàng đánh giá đúng các đối tượng thuộc diện hộ nghèo mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân, huy động, đa dạng hóa mọi nguồn lực nguồn lực, đầu tư phục vụ giảm nghèo bền vững, nhất là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến về giảm nghèo; phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của nhân dân và các doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích sự nỗ lực, tự vươn lên của chính những hộ nghèo để thoát nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, đặc biệt là khuyến khích sự tham gia, giám sát của người dân vào công tác giảm nghèo, cùng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”.Từ nhận thức của người dân trong việc chủ động tìm kiếm sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn tài trợ từ cộng đồng, hy vọng rằng mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện miền núi này sẽ thành hiện thực.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202104/khoi-day-y-chi-vuon-len-thoat-ngheo-176170