Khơi dậy ý thức giữ gìn văn hóa để phát triển du lịch ở Lai Châu
Từ lợi thế văn hóa phong phú của đồng bào 20 dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khơi dậy ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch, giúp bà con có việc làm và thu nhập ổn định.
"Gia đình tôi được hỗ trợ làm ngói, với một số giống cây để trồng phát triển du lịch. Bây giờ khách càng ngày càng đông, không đủ chỗ để đón khách nên tôi lại làm thêm rộng rãi nữa. Từ làm du lịch homestay, gia đình tôi cảm thấy thu nhập rất là cao so với trước chưa làm du lịch"; "Nhờ có các chính sách của tỉnh, cho nên các đội văn nghệ quần chúng được của các bản phát huy tối đa khả năng của mình. Các đội văn nghệ hoạt động tập trung và hoạt động có mục tiêu hơn. Từ việc phát huy bản sắc đó, chúng tôi đã khơi dựng lại được một số nét văn hóa, đặc biệt là múa khèn của người Mông và điệu múa dân tộc Mông cũng đã dần được khôi phục lại"...
Đó là chia sẻ, đánh giá của người dân và chính quyền cơ sở ở Lai Châu sau khi nhận được các gói hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Sau khi có kinh phí, chính quyền các xã, thị trấn đã vận động người dân sử dụng sửa chữa nhà làm homestay và khôi phục các ngành nghề truyền thống, lễ hội để phục vụ khách du lịch.
Bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu là điểm du lịch nổi tiếng của huyện Tam Đường, thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa, ẩm thực độc đáo của người dân tộc Dao và là điểm hấp dẫn để các phi công dù lượn đến khám phá và trải nghiệm.
Bà Tẩn Thị Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường cho biết: "Trên cơ sở những nếp nhà của người dân, chúng tôi chỉnh trang lại những nhà gỗ, nhà trình tường để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi cũng vận động các lớp học, hỗ trợ khôi phục lại nghề truyền thống như là đan mũ đuôi ngựa của người Dao - một trong những nghề rất có giá trị, khi cái mũ đó bán sang Trung Quốc. Và một số ngành nghề khác như nghề mây tre đan, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để bà con tiếp tục gìn giữ".
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Lai Châu, các địa phương đã hỗ trợ kinh phí để khôi phục nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát huy các lễ hội, tổ chức các đội văn nghệ quần chúng; cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống... Cũng như nhiều địa phương, đến nay huyện Tam Đường đã hỗ trợ xây dựng và đưa vào hoạt động mới 15 homestay, nâng tổng số homestay của huyện lên 40. Duy trì và phát triển 4 nghề thủ công truyền thống: rèn, dệt, mây tre, làm mũ thổ cẩm lông đuôi ngựa tại các bản du lịch. Địa phương cũng đã khôi phục, bảo tồn, phát triển được 7 lễ hội truyền thống tại các xã, thị trấn.
Ông Đỗ Trọng Thi, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: "Chúng tôi cũng đã hỗ trợ kinh phí để sửa sang, cải tạo lại nhà để làm homestay cho các điểm du lịch cộng đồng như: Lao Chải 1, Bản Thẳm, Sì Thâu Chải. Thứ hai nữa là hỗ trợ kinh phí cho các bản để làm biển chỉ dẫn về du lịch. Ngoài ra, cũng đã tổ chức cho nhân dân của các bản đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương mà có khu du lịch cộng đồng phát triển để về triển khai thực hiện".
Nhằm bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đến nay các địa phương của tỉnh Lai Châu đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo các nghị quyết, đề án của Nhà nước và của tỉnh. Đặc biệt, Nghị quyết số 59 của HĐND tỉnh Lai Châu ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, các địa phương đã phát huy lợi thế về văn hóa của từng dân tộc, điều kiện hạ tầng của từng bản, vận động đồng bào các dân tộc địa phương giữ gìn văn hóa dân tộc mình, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, đến nay, địa phương đã phát triển được 16 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh, hơn 30 lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống. Người dân trong vùng đồng bào Thái, Dao, Lự, Mông... tại các bản du lịch cộng đồng đã có cuộc sống và thu nhập bền vững hơn nhờ làm du lịch:
"Tỉnh cũng đã ban ngành Nghị quyết về bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch và hiện nay nghị quyết này đang được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện, đảm bảo được yêu cầu. Trong quá trình triển khai thực hiện các mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết cũng đã được cấp ủy, chính quyền triển khai và quán triệt thực hiện. Một số sản phẩm về phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch hiện nay cũng được các địa phương rất quan tâm, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng ở một số địa phương" - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu chia sẻ.
Cùng với giữ gìn bản sắc văn hóa, các bản du lịch cộng đồng ở Lai Châu hiện đã có đầy đủ các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí, đội văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ý thức và nhận thức của người dân địa phương cũng thay đổi để đáp ứng nhu cầu của du khách, qua đó góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội và diện mạo địa phương phát triển.