Khởi động ASEAN Sparks: Cơ hội dành cho startup năng lượng sạch
Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) vừa ra mắt ASEAN Sparks, chương trình khởi nghiệp khu vực nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Ảnh minh họa
Sáng kiến được triển khai với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ Tích hợp Nhật Bản – ASEAN (JAIF), được đồng hành bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Mục tiêu là hỗ trợ giai đoạn đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển giải pháp công nghệ khí hậu, mở rộng quy mô và kết nối với hệ sinh thái đầu tư – chính sách trong khu vực.
ASEAN Sparks 2025 diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10 với ba giai đoạn: Khơi nguồn (Ignite), Thúc đẩy (Catalyse) và Bứt phá (Elevate). Các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch trên toàn ASEAN có thể nộp hồ sơ tham dự trước ngày 22/5/2025.
Giai đoạn Khơi nguồn sẽ tập trung đào tạo, cố vấn và hoàn thiện mô hình kinh doanh, sản phẩm. Giai đoạn Thúc đẩy sẽ được huấn luyện chuyên sâu, tư vấn chiến lược và hỗ trợ tiếp cận thị trường.
Giai đoạn cuối Bứt phá dành cho những đội có hiệu suất cao nhất, với điểm nhấn là sự kiện 'Grand Pitching Day' tổ chức tại Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN lần thứ 25 (AEBF-25) ở Kuala Lumpur, Malaysia. Đây là cơ hội để các startup trình bày giải pháp trước các nhà đầu tư, đối tác doanh nghiệp và đại diện chính phủ trong khu vực.

Ông Zulfikar Yurnaid, Giám đốc Phòng hiệu quả và bảo tồn năng lượng của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE)
Theo ACE, chương trình tập trung vào sáu lĩnh vực công nghệ khí hậu then chốt, bao gồm: hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, lưu trữ năng lượng, giao thông xanh, các công nghệ năng lượng – khí hậu mới nổi.
Ông Zulfikar Yurnaid, Giám đốc Phòng hiệu quả và bảo tồn năng lượng của ACE nhận định: “ASEAN Sparks phù hợp với Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng (APAEC), đặc biệt trong việc tăng cường vai trò khu vực tư nhân và huy động nguồn lực tài chính cho chuyển dịch năng lượng.”
Ông Yarnaid cho rằng, bằng cách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chương trình thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và giải quyết các thách thức khí hậu cấp bách trong khu vực.
Ngoài đào tạo và cố vấn, ASEAN Sparks đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái hợp tác rộng khắp giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật và cơ quan hoạch định chính sách. Mọi chuyên gia tham gia chương trình đều được đào tạo và cấp chứng chỉ theo một khung năng lực chung, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả triển khai.
Việc đánh giá các công ty khởi nghiệp dựa trên nhiều tiêu chí như độ sẵn sàng công nghệ, tiềm năng thương mại, cam kết của đội ngũ sáng lập, khả năng mở rộng và đặc biệt là tác động môi trường – xã hội.
Chương trình hướng đến những sáng kiến xuất phát từ địa phương nhưng có khả năng lan tỏa ở cấp khu vực. Đông Nam Á, nơi đối mặt với biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh và nhu cầu năng lượng tăng cao, rất cần các giải pháp công nghệ xanh có tính thực tiễn và linh hoạt theo từng quốc gia.
“Chúng tôi không chỉ tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, mà còn ưu tiên những giải pháp có khả năng triển khai quy mô lớn và mang tính bao trùm,” đại diện ACE cho biết. “Các nhà sáng lập trẻ ở ASEAN hoàn toàn có thể trở thành nhân tố tạo đột phá trong hành trình hướng đến phát thải ròng bằng 0.”
ASEAN Sparks được xem là một bệ phóng nhằm hỗ trợ các nhà đổi mới trẻ trong khu vực tiếp cận thị trường toàn cầu, tham gia vào chuỗi giá trị năng lượng mới và kết nối với cộng đồng đầu tư quốc tế.