Khởi động các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống
Báo Kinh tế & Đô thị vừa tổ chức khởi động các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, nhân dấu mốc Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị - nhấn mạnh, việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô - "trái tim" của cả nước phát triển xứng tầm trong tương lai.
Nhằm hoàn thiện "bệ phóng" thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển, UBND TP Hà Nội đang đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về nội dung, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, các cơ chế, chính sách, quy định của Luật Thủ đô 2024 và các văn bản triển khai thi hành Luật.
Hà Nội đã tập trung, huy động mọi nguồn lực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 theo thẩm quyền của TP. Trong đó, xác định việc xây dựng văn bản triển khai và tổ chức thi hành Luật Thủ đô 2024 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, là dấu ấn rất quan trọng với Hà Nội, khởi động các sự kiện truyền thông là hoạt động có ý nghĩa rất lớn để tuyên truyền tới các cấp ngành và toàn thể người dân về những quy định mới của Luật, đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong quản lý, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
"Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và TP Hà Nội cũng mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp về những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô một cách hiệu quả, sáng tạo phù hợp với yêu cầu trong thực tiễn, đặc biệt là để giúp tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Sau khai mạc các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, các đại biểu đã theo dõi phóng sự "Luật Thủ đô 2024: Điểm tựa thể chế để Hà Nội vươn mình trong kỷ nguyên mới".
Tiếp đó, tại Talkshow "Luật Thủ đô 2024: Hiện thực khát vọng vươn mình của Thủ đô" các diễn giả đã trao đổi, phân tích về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô 2024, liên quan đến quy định huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô; quy định về đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững…
Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024, gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, và của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.