Khởi động cách kiểm tra đánh giá năng lực người học từ đề minh họa

Đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 môn Ngữ văn đã khởi động cách kiểm tra đánh giá năng lực người học...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 môn Ngữ văn có thay đổi, dù chưa nhiều, nhưng đã khởi động cách kiểm tra đánh giá năng lực người học và là bước chuyển cần thiết cho việc dạy và học, và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018.

Năng lực hiểu và diễn đạt

Theo nhiều học sinh và giáo viên Ngữ văn, đề thi tham khảo Ngữ văn của Bộ GD&ĐT (công bố ngày 22/3) giữ ổn định về cấu trúc và nội dung trọng tâm của chương trình, có tính phân hóa, đảm bảo yêu cầu kép của kỳ thi. Nội dung câu hỏi đã thay đổi nhằm loại bỏ văn mẫu, học thuộc, tiệm cận Chương trình Ngữ văn 2018. Học sinh cần hiểu bài, nắm chắc kiến thức tiếng Việt và vận dụng diễn đạt ý hiểu thành đoạn, thành bài luận.

Với mục tiêu kép, tính phân hóa của đề thi minh họa môn Ngữ văn 2024 có những điểm mới cần lưu ý:

Phần đọc hiểu với 14 dòng thơ hoàn toàn mới, trong đó, câu 1 (thể thơ - tự do) và câu 2 (tu từ - so sánh) dễ ghi điểm. Câu 3 (nội dung của những dòng thơ) và câu 4 (rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân) lại phân hóa năng lực của thí sinh.

Câu hỏi 3, thí sinh hiểu và vận dụng tri thức để diễn đạt nội dung 4 dòng thơ thành ý (gạch đầu dòng) hoặc viết đoạn văn ngắn 5 - 7 dòng: Cuộc đời thăng trầm của mây. Khi sống trong mơ mộng, khi trở về đời thực, khi say sưa lãng mạn, phiêu lưu khám phá, được và mất, nhưng cuối cùng vẫn phải trở về cuộc đời bản ngã là mây giữa trời.

Câu hỏi 4, vận dụng hiểu biết về Những đám mây cuối trời, qua suy ngẫm của nhà thơ… để rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân. Thí sinh có thể đồng tình với lẽ sống của tuổi trẻ thích khám phá, phiêu lưu và chấp nhận tất cả hoặc không đồng tình. Các em cũng có thể chọn 2 quan điểm sống: Vừa phiêu lưu, mạo hiểm, vừa thận trọng và tỉnh táo. Mỗi thí sinh có phương án và kiến giải cho lẽ sống của mình.

Phần làm văn, câu 1 và câu 2 đều có tính phân hóa. Câu viết đoạn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu vấn đề rút ra từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Chủ đề của đoạn là ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách. Yêu cầu gợi mở, phù hợp với thí sinh và theo cấu trúc quen thuộc.

Trước khó khăn, thử thách, thái độ sống tích cực sẽ có ý nghĩa, giá trị gì về tinh thần và vật chất? Phần nhiều học sinh hiểu sai yêu cầu nội dung và sẽ bàn luận về thái độ sống tích cực là gì như tài liệu đoạn văn mẫu. Thí sinh viết theo cấu trúc đoạn văn, dẫn chứng chọn trong thực tế; viết ngắn gọn và chuẩn về ngôn ngữ.

Các em có thể tập trung vào nội dung cơ bản: Trong khó khăn, buồn đau (khó tránh khỏi), thái độ sống tích cực, luôn vui vẻ, tự tin, bình tĩnh sẽ giúp chúng ta tìm thấy sự an yên, thanh thản và niềm hy vọng; tin tưởng để tồn tại và can đảm thoát khỏi khổ đau và bế tắc, hướng đến ngày mai tươi sáng hơn. Thái độ sống lạc quan, tự tin sẽ giúp chúng ta tránh được nhiều nguy cơ, hiểm họa, giúp ta thêm bạn bè, cơ hội để sống vui, sống để kiến tạo tình yêu và hạnh phúc.

Câu 2 nghị luận văn học, đề tham khảo chọn một đoạn trích trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? Các thí sinh sẽ thực hiện 2 yêu cầu: Phân tích đoạn trích (yêu cầu chính) và yêu cầu nâng cao (từ đó nhận xét tình cảm của nhà văn đối với sông Hương thể hiện qua đoạn trích). Cấu trúc của câu 5 điểm vẫn ổn định theo đề Ngữ văn năm 2022, nhưng có điểm mới ở yêu cầu mở rộng.

Phân tích đoạn trích trong đề, thí sinh bày tỏ hiểu biết và đánh giá đúng về giá trị nội dung và biện pháp nghệ thuật, diễn đạt, trình bày chính xác, dễ hiểu. Những bài văn dài với so sánh, mở rộng, trích dẫn “văn người ta” sẽ dần mất ý nghĩa. Tính phân hóa trong đề tham khảo còn thể hiện ở yêu cầu thứ 2, “từ đó, nhận xét về tình cảm…”.

Thí sinh khá giỏi sẽ không còn cơ hội bàn luận về ý nghĩa ngoài văn bản đoạn trích của đề bài. Phần mở rộng bàn luận (tình cảm của nhà văn… thể hiện trong đoạn trích) chính là điểm mới rất hay, chuẩn bị cho hướng viết bài luận ngắn khoảng 500 chữ của Chương trình Ngữ văn 2018.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Xu hướng viết bài luận hàm súc

Người viết đồng tình với những thay đổi cần làm của đề thi tham khảo tốt nghiệp Ngữ văn năm 2024. Sự thay đổi, dù chưa nhiều, nhưng đã khởi động cách kiểm tra đánh giá năng lực người học và là bước chuyển cần thiết cho việc học và kiểm tra Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phần nhiều nhà giáo (Ngữ văn nói riêng), vẫn theo quan điểm: “Thi thế nào, dạy và học thế”. Dù đổi mới phương pháp tập huấn thế nào, tập huấn những gì, dù đã 2 năm dạy Chương trình GDPT 2018, nhưng một số thầy cô Ngữ văn vẫn ngại dạy năng lực và kỹ năng. Những bài văn mẫu dài thật sự áp lực cho học trò mọi vùng miền. Những “câu chữ của người ta” vẫn được thầy cô sưu tầm và yêu cầu học sinh sử dụng trong bài viết.

Điều này khiến tôi băn khăn, viết đoạn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ, sao thầy cô cứ yêu cầu học sinh phải chọn dẫn chứng trong sử sách, những danh nhân, vĩ nhân, bác học… mà không hướng trò đến việc dùng dẫn chứng trong đời sống quanh ta, người quanh ta là học sinh, thầy cô và mọi người? Viết bài nghị luận văn học, sao cứ yêu cầu tất cả trò phải so sánh, mở rộng, hoặc phải mở bài, kết bài gián tiếp? Đó là thực trạng ai quan tâm đến môn Ngữ văn đều đau đáu suy tư!

Trong đề tham khảo Bộ GD&ĐT công bố ngày 8/3 cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, bài thi Ngữ văn gồm phần đọc hiểu trắc nghiệm (4 điểm), bài tự luận (6 điểm) sẽ có đoạn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học hoặc đoạn nghị luận văn học và bài nghị luận xã hội, với thời gian từ 90 - 120 phút. Được biết, các nhà trường đang triển khai để áp dụng ngay từ bài kiểm tra giữa học kỳ II của năm học này. Mục tiêu của đề thi là kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản và năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ…

Theo tôi, quan điểm bài luận Ngữ văn viết dài, mở rộng đào sâu, trích dẫn nhiều ý kiến kinh điển sẽ không còn phù hợp. Làm sao để học sinh hiểu vấn đề, hiểu văn bản bất kỳ (dù hiểu chưa đầy đủ) và diễn đạt (dù chưa lưu loát) rồi dần dần hiểu đúng, hiểu sâu, viết đúng, tiến tới viết thuyết phục? Đó mới là nhiệm vụ vinh quang của thầy cô dạy Ngữ văn.

Đề thi Ngữ văn tham khảo năm nay đã chú trọng đến năng lực đọc hiểu và diễn đạt bài luận cần có của người học. Vấn đề căn cốt của học Ngữ văn đã đến lúc chúng ta cần trả lại đúng vị trí sau bao năm đề cao văn mẫu, nhớ nhiều, thuộc nhiều. Hy vọng, đề thi tốt nghiệp chính thức 2024 sẽ được các giám khảo trân quý năng lực đọc hiểu và diễn đạt thực tế của thí sinh, từ đó thoát dần tư tưởng nhân văn “gạn đục khơi trong”, đưa điểm thi Ngữ văn về thực chất hơn.

Cái mới luôn khó. Nhưng tôi tin, thầy, trò sẽ đón nhận và thay đổi phương pháp dạy và học, làm bài thi khi xu hướng kiểm tra và đánh giá theo năng lực người học sẽ từng bước được đưa vào đề bài các môn bắt đầu từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tuần cuối tháng 6/2024.

Nguyễn Văn Lự

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-dong-cach-kiem-tra-danh-gia-nang-luc-nguoi-hoc-tu-de-minh-hoa-post677423.html