Khơi dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống Thủ đô

Những năm qua, Báo Kinh tế & Đô thị bằng tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô đã đồng hành và tiếp tục tiếp tục phát huy vai trò quan trọng định hướng, truyền cảm hứng, lan tỏa và nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp, văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Với nội dung và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, báo Kinh tế & Đô thị có nhiều các tác phẩm mang tính phản biện chính sách của Thành phố trong việc phát triển văn hóa; phê phán những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn về văn hóa... để những chính sách ấy thực sự đi vào cuộc sống.

Đồng hành lưu giữ và phát triển văn hóa Thủ đô

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp phát triển văn hóa.

Bám sát chủ trương chỉ đạo Đảng, Nhà nước và Thành ủy, UBND TP, các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tham gia tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội trên địa bàn TP. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay, báo Kinh tế & Đô thị luôn quan tâm, đầu tư nguồn lực; đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hấp dẫn.

Thiếu nữ Hà Thành duyên dáng bên di tích Thủ đô

Thiếu nữ Hà Thành duyên dáng bên di tích Thủ đô

Vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và thời gian qua triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Báo Kinh tế & Đô thị luôn quan tâm dành các vị trí trang trọng của trang Báo in, xây dựng các chuyên mục Văn hóa, Hà Nội thanh lịch văn minh... trên báo điện tử kinhtedothi.vn, hay trên các chuyên trang hanoitimes.vn, phapluatxahoi.kinhtedothi.vn... để quảng bá di sản văn hóa của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, đến bạn đọc.

Báo đã cung cấp cho bạn đọc ở mọi miền đất nước cũng như bạn bè quốc tế về các nét đẹp trong ứng xử, mang đặc trưng riêng của người Hà Nội. Báo Kinh tế & Đô thị cũng dành nhiều thông tin quảng bá những di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương thuộc Thành phố Hà Nội; giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu đối với di sản văn hóa từ hoạt động du lịch.

Những năm qua Báo Kinh tế & Đô thị đã chú tâm xây dựng chuyên trang, chuyên mục về đề tài văn hóa, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền Quy tắc ứng nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Rất nhiều bài báo đã tôn vinh giới thiệu các mô hình về chợ văn minh tại quận Đống Đa, ngõ phố xanh – sạch tại quận Ba Đình, hoặc cổ vũ vui chơi văn minh của các bạn trẻ Hà Nội tại các sự kiện mang tầm quốc tế như: Hành động tự thu dọn rác của các bạn trẻ sau Lễ hội Âm nhạc Gió mùa, tinh thần hiếu khách, cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên Hà Nội tại sân vận động các môn thi SEA Games 31… Báo cũng dành không ít các dung lượng bài viết để phê phán các hiện tượng ứng xử của cán bộ công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân, như vụ việc chậm cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa) năm 2017, nữ đại úy công an có hành vi ứng xử thiếu văn minh tại Sân bay Tân Sân Nhất năm 2019…

Khẳng định uy tín, chất lượng

Những năm qua, trong bối cảnh chịu tác động bởi dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, chuyên mục văn hóa trên báo Kinh tế & Đô thị vẫn duy trì các tin, bài, tác phẩm báo chí chất lượng với nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng và trúng các vấn đề của Hà Nội hiện nay trong phát triển văn hóa. Nhiều đề tài về công tác phòng, chống dịch, những việc ứng xử nhân văn, vì mọi người vốn là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội được thực hiện.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ: Trong bối cảnh dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều cố gắng để đảm bảo số lượng báo ra hàng ngày đến được với bạn đọc và chất lượng báo ngày càng được nâng cao. Trong đó, báo Kinh tế & Đô thị đã quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, trong dịp diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc báo Kinh tế & Đô thị đã có nhiều bài viết sát với yêu cầu của phát triển văn hóa trong thời kỳ mới của cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, Báo đã thể hiện được là một trong những tờ báo có nhiều bài viết, tuyên truyền về văn hóa trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh những thông tin thời sự, báo đã có những tin bài tuyên dương những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch; khai thác được góc độ văn hóa trong lĩnh vực kinh tế, quản lý đô thị.

Ngoài việc nêu ra hiện tượng, phát hiện, nêu gương cũng có những tác phẩm góp ý, mang tính phản biện về việc xây dựng chính sách của lãnh đạo Thành phố trong việc phát triển văn hóa, phê phán những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn về văn hóa... để những chính sách ấy thực sự đi vào cuộc sống.

Trong đó có thể kể tới Loạt bài "Lừa đảo, chặt chém khách nước ngoài: Vụ việc nhỏ, tác hại lớn", của nhóm tác giả Hồng Hạnh - Công Thọ (báo Kinh tế & Đô thị) đã đạt giải A Giải Báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I - năm 2018. Loạt bài xuất phát từ việc phóng viên tiếp nhận phản ánh của người dân về nạn chặt chém ở Sân bay Quốc tế Nội bài, khu phố đi bộ quanh hồ Gươm. Nhóm tác giả đã thâm nhập, đóng vai khách nước ngoài, điều tra, khảo sát thực tế ở những địa điểm tập trung đông đảo du khách quốc tế như Sân bay Quốc tế Nội Bài, khu phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận… để lật tẩy những chiêu trò, thủ đoạn chèo kéo, lừa đảo, chặt chém du khách quốc tế của tài xế taxi dù, đội “cò” taxi sân bay, đội bán hàng rong, tài xế xích lô.

Năm 2019, báo Kinh tế & Đô thị vinh dự nhận Giải A với loạt bài “Quảng cáo sính ngoại và nỗi buồn tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thanh Loan ở thể loại Báo in. Để có được bài viết với những chứng cứ thuyết phục nhất, tác giả không chỉ đến cơ quan quản lý thu thập thông tin thống kê mà còn trực tiếp đi hết các con phố của Hà Nội và đi xin hồ sơ của các công trình xây dựng để tiến hành kiểm đếm từng biển bảng. Với quan điểm, “không chỉ khơi ra mà còn đi đến tận cùng vấn đề”, tác giả đã tìm tới và lắng nghe lời cảnh báo của các chuyên gia đồng thời đi tìm giải pháp quản lý trong thời gian tới của các cơ quan có liên quan.

Thay vì cách trình bày đơn điệu trên khuôn khổ của một trang báo in hay dài dòng toàn "chữ với chữ" trên màn hình máy tính của báo điện tử như cách đây vài năm, ở thời điểm hiện tại, báo Kinh tế & Đô thị nói chung và chuyên mục văn hóa của trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị nói riêng đã liên tục áp dụng các công nghệ mới nhằm thay đổi cách thức thể hiện của một bài báo. Từ đó xuất hiện các dạng bài mới như bài viết đa phương tiện, tin tức theo dòng sự kiện có tính tương tác cao, Infographic, Longform, Mega Story, Podcast... ứng dụng báo chí dữ liệu, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội như “Níu giữ giá trị văn hóa của tập thể cũ” (Giải A Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” lần thứ IV - năm 2021); “Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu” (Giải A Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” lần thứ V - năm 2022); “Hồi sinh không gian văn hóa công viên” (Giải B Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” lần thứ VI - năm 2023).

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ứng Hòa Phạm Thị Thanh Tâm: Về mặt nội dung, phải khẳng định rằng những vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực của văn hóa của Thủ đô đều đã được báo chí Kinh tế & Đô thị chú trọng khai thác dưới nhiều góc độ; từ chủ trương chính sách, sự quan tâm, đầu tư của TP cho các lĩnh vực này… đến các nội dung mang tính bao quát như triển khai Nghị quyết 09, Chương trình 06 của Thành ủy. Đồng thời những sự kiện văn hóa lớn như Hội thảo về “Phát huy các giá trị về nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh - hiện đại”; Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực trạng và giải pháp”; Hội thảo khoa học “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng tầm nhin và giải pháp”; các kỳ tổ chức SEA Games; những vấn đề cụ thể, mang hơi thở cuộc sống… đều đã xuất hiện trong chuyên mục văn hóa của báo Kinh tế & Đô thị.

Ở cấp độ quận, huyện, báo Kinh tế & Đô thị đã có những tuyến bài chuyên sâu về những nét văn hóa, truyền thống của địa phương, tạo sức lan tỏa với cộng đồng như: “Phát huy nguồn lực từ vùng văn hóa đặc biệt”; “Thấm nhuần lời Bác dạy, hết lòng vì bệnh nhân”; “Hà Nội: Để những làng nghề không bị mai một”; “Quận Nam Từ Liêm phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn”; “Triển lãm “Hoàng Mai- Dấu ấn thời gian 2003-2023…”

Bà Phạm Thị Thanh Tâm mong muốn, chuyên mục văn hóa trên báo Kinh tế & Đô thị, sẽ tiếp tục tìm tòi và phản ánh nhiều đề tài, có thêm nhiều tác phẩm đề xuất được giải pháp, gợi mở định hướng tháo gỡ khó khăn, hướng phát triển hiệu quả, toàn diện hơn cho các lĩnh vực văn hóa của Thủ đô. Tuyến bài về người tốt việc tốt, mô hình điểm, cách làm hay, có sức lan tỏa và truyền cảm hứng".

Lan tỏa văn hóa Thủ đô

Với vai trò là phương tiện thông tin nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp, công tác thông tin, tuyên truyền về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường, xã hội, báo Kinh tế & Đô thị không chỉ thông tin, tuyên truyền bằng các bài viết phân tích, phản biện, phóng sự mà còn thực hiện bằng nhiều hình thức báo chí đa phương tiện, nhiều hình thức truyền thông báo chí như: Triển lãm ảnh, tọa đàm, hội thảo…

Cụ thể trong 17 năm tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” diễn ra thường kỳ vào dịp kỷ niệm 10/10 hàng năm, Báo Kinh tế & Đô thị đã dành nhiều chủ đề liên quan đến tuyên truyền văn hóa người Hà Nội như việc quảng bá nét đẹp văn hóa thông qua các chủ đề triển lãm như: Làng nghề phố nghề, Kiến trúc di sản Hà Nội… Sau mỗi triển lãm, các bức ảnh không chỉ để dấu ấn trong lòng hàng chục nghìn công chúng yêu nhiếp ảnh đến tham quan mà còn có sự lan tỏa trên các phương tiện thông tin truyền thông về sự kiện. Bên cạnh đó, chú trọng đến các vấn đề còn vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý văn hóa nên các cuộc tọa đàm về việc xây dựng ứng xử văn minh tại các khu chung cư, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí xã hội hóa trong công tác tu bổ di tích… cũng được Báo thường xuyên thực hiện.

Ngoài ra, Báo Kinh tế và Đô thị còn sử dụng chuyên trang tiếng Anh hanoitimes.vn để thực hiện quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Hà Nội đến bạn bè quốc tế. Thông qua việc quảng bá này đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp sức hấp dẫn của thành phố di sản, vẻ đẹp cổ kính hơn nghìn năm tuổi của Hà Nội mà không phải Thủ đô nào trên thế giới cũng có được.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khoi-dong-chay-van-hoa-tich-cuc-trong-doi-song-thu-do.html