Khởi động chương trình bảo vệ gấu năm 2024 ở 'xã nuôi gấu nhiều nhất cả nước'
Chương trình 'Bảo vệ loài gấu năm 2024' được phát động nhằm thúc đẩy công tác quản lý hoạt nuôi nhốt gấu, tiến tới không còn cá thể gấu nuôi nhốt nào ở trên địa bàn Hà Nội và cả nước.
Ngày 19/3, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tổ chức Lễ khởi động Chương trình “Bảo vệ loài gấu năm 2024” tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Đây là địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước trong nhiều năm nay.
Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho biết sự kiện trên nhằm thúc đẩy công tác quản lý hoạt nuôi nhốt gấu, tiến tới không còn cá thể gấu nuôi nhốt nào trên địa bàn cũng như nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và bảo tồn loài gấu; kết hợp với các chương trình cộng đồng giúp cải thiện sức khỏe, môi trường sống văn minh, hài hòa với thiên nhiên.
Trong kế hoạch “Bảo vệ Gấu” tại Hà Nội năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Tổ chức Động vật châu Á tiếp tục các chuỗi hoạt động và sự kiện truyền bảo vệ gấu thông qua các buổi tư vấn sức khỏe, các chương trình thi đua bảo vệ loài gấu tại các trường học trên địa bàn cũng như xây dựng các vườn thảo.
“Các hoạt động giáo dục tổ chức song hành cùng công tác chuyên môn như kiểm tra, rà soát các cơ sở nuôi nhốt gấu đồng thời chủ động vận động các cơ sở nuôi nhốt gấu tự nguyện giao nộp gấu cho Nhà nước, phấn đấu vận động, cứu hộ và chăm sóc thêm nhiều các cá thể gấu nhất có thể,” đại diện Tổ chức Động vật châu Á nói.
Trước đó, đầu năm 2024, Tổ chức Động vật châu Á cùng với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã vận động và cứu hộ thành công thêm một gấu ngựa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), qua đó đưa tổng số gấu đã cứu hộ được từ xã Phụng Thượng lên 18 cá thể.
Tổ chức Động vật châu Á là tổ chức phi chính phủ quốc tế hợp tác cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện là Cục Kiểm Lâm thực hiện 2 dự án xây dựng “Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam” tại Vườn Quốc gia Tam Đảo và Vườn quốc gia Bạch Mã, với diện tích mỗi trung tâm khoảng 12ha.
Các trung tâm cứu hộ gấu trên có khả năng tiếp nhận tối đa 300-500 cá thể gấu. Tại các trung tâm, các cá thể gấu sẽ được chăm sóc nuôi dưỡng trong mô hình bán hoang dã, với các điều kiện chăm sóc, phục hồi sức khỏe tốt nhất. Tất cả các cá thể gấu đang cứu hộ tại Trung tâm do cơ quan Kiểm lâm bàn giao từ những vụ buôn bán vận chuyển gấu trái phép hoặc do người dân tự nguyện giao nộp gấu cho Nhà nước.
Ngoài ra, với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ loài gấu, Tổ chức Động vật châu Á cũng đã tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và hợp tác với Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam đồng xuất bản gần 40.000 cuốn sổ tay giới thiệu 32 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu.
Tại thành phố Hà Nội, từ năm 2016 tới nay, tổ chức bảo tồn trên đã thực hiện các đợt tuyên truyền bảo vệ gấu và tư vấn sức khỏe theo tháng, các bác sỹ đông y phát sách tại tất cả các nhà văn hóa trên địa bàn xã Phụng Thượng...
Sau gần 20 năm thực hiện công tác cứu hộ gấu tại Việt Nam, đến nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ được 273 cá thể gấu (bao gồm gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 197 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh mướt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo và 5 cá thể gấu được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Theo Tổ chức Động vật châu Á, do bị thu hẹp môi trường sống (sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên) và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật nên số lượng gấu ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, hiện chỉ còn khoảng 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước.
Tại các trại, gấu bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Gấu bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên./.