Khởi động đối thoại hòa bình mới giữa Azerbaijan và Armenia

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoya và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov đầu tuần này đã tới Mỹ và tham gia vào cuộc đàm phán do Mỹ khởi động. Nhiều ý kiến cho rằng, vòng đàm phán với sự trung gian tổ chức Mỹ lần này sẽ khó đạt được một kết quả cụ thể, song, ít nhất cũng sẽ đạt được một tiến bộ tích cực.

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan (trái),Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov trong cuộc gặp tại Mỹ mới đây. Ảnh: Twitter Ngoại Trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan (trái),Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov trong cuộc gặp tại Mỹ mới đây. Ảnh: Twitter Ngoại Trưởng Mỹ

Thông tin về cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng hai nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, Mỹ vui mừng khi được tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại trong bối cảnh hai bên cùng nhau theo đuổi tương lai hòa bình cho khu vực Nam Caucasus. Ông Patel cho hay, Ngoại trưởng Antony Blinken tin rằng, đối thoại trực tiếp là “chìa khóa” để giải quyết các vấn đề và đạt được hòa bình lâu dài và là biện pháp tối ưu trong vấn đề của Azerbaijan và Armenia.

Trước khi khởi động cuộc hội đàm, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thảo luận hòa bình Azerbaijan - Armenia, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc tiếp tục hỗ trợ vấn đề này.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đánh giá, cuộc đàm phán diễn ra tại Mỹ vừa qua sẽ khó có thể mang lại những kết quả, nhưng ít nhất cũng sẽ đạt được tiến bộ rõ rệt. Về phía Armenia, Thủ tướng Nikol Pashinyan cho hay, tài liệu mà phái đoàn Armenia đàm phán tại Mỹ đã được trình bày trước quốc hội nước này và quá trình đàm phán sẽ trình bày công khai, cởi mở các quan điểm một cách sống động. Quá trình đàm phán cũng có thể sẽ nảy sinh những ý tưởng mới, những nội dung đàm phán mới.

Bình luận từ giới chuyên gia chính trị quốc tế, mối bất hòa giữa Azerbaijan và Armenia là vấn đề khó giải quyết để có thể đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Trên thực tế, bất đồng kéo dài và thậm chí nhiều lần xung đột, đến nay, việc các bên cùng ngồi đối thoại với nhau được xem là một thành công. Dẫu vậy, việc quan trọng hơn là các bên phải duy trì được các cuộc đàm phán nhằm tìm cho ra “tiếng nói chung” giải quyết căn bản bất hòa.

Nhìn lại quan hệ bất hòa giữa Azerbaijan và Armenia, giới quan sát chỉ ra rằng, căng thẳng căn bản nhất là liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh đang tranh chấp. Theo đó, khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng đa số dân cư ở đây là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vùng đất này vào Armenia. Căng thẳng âm ỉ giữa hai nước láng giềng đã bùng nổ tới đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp đối với các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân.

Theo giới quan sát, với tình hình căng thẳng của hai nước trên thực địa, rất khó để có thể sớm đạt được thỏa thuận có hiệu lực thực tế. Điển hình là ngày 23/4/2023 vừa qua, quan hệ Azerbaijan - Armenia càng trở nên căng thẳng sau khi Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh. Điều này gây cản trở trong việc di chuyển của người dân và sự phẫn nộ gia tăng chống lại Azerbaijan.

Cộng hưởng với đó là những lần hai bên nổ súng qua lại thời gian qua, tuy không phải những cuộc giao tranh quy mô, nhưng cũng cho thấy hòa bình thực chất vẫn rất mong manh, dễ đổ vỡ vì những diễn biến nhỏ. Tình hình chưa “xuống thang” trong mối căng thẳng này cũng đang cho thấy thái độ kiên quyết của các bên và sẽ rất khó để một thỏa thuận hòa bình có thể đạt được trước “họng súng”.

Bình luận về cuộc đàm phán tại Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng, cả Azerbaijan và Armenia đều có thiện chí đàm phán nhưng cũng kiên định bảo vệ lợi ích của mình. Thậm chí, nhiều động thái từ giới chức của hai nước cũng phần nào hàm ý về những hành động quyết liệt nếu thỏa thuận không đạt được kết quả tích cực. Trong kịch bản đó, nhiều bất lợi có thể dành cho cả hai nước trong việc định vị bản thân trong bối cảnh tình hình địa chính trị tại khu vực diễn biến phức tạp, khó lường.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khoi-dong-doi-thoai-hoa-binh-moi-giua-azerbaijan-va-armenia-post460957.html