Israel tốn bao nhiêu tiền để đánh chặn tên lửa đạn đạo Iran?
Israel sở hữu nhiều hệ thống phòng không hiện đại có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa từ bên ngoài vào nước này, từ tên lửa tầm ngắn đến tên lửa hành trình và đạn đạo. Tên lửa đánh chặn của các hệ thống này cũng không hề rẻ.
Đêm 1/10, Iran đã phóng hàng loạt tên lửa về phía Israel. Đây là lần thứ hai Iran tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel trong năm nay. Cuộc tập kích trước đó là vào tháng 4, sử dụng cả tên lửa và máy bay không người lái.
Giới chức Israel cho biết, đến sáng 2/10, cuộc tấn công dường như đã kết thúc và không có mối đe dọa nào khác. Tuy nhiên, Israel chưa xác định mức độ thiệt hại trong đợt tập kích và từ chối công bố địa điểm trúng tên lửa.
Các nguồn tin từ Mỹ cảnh báo cuộc tấn công của Iran có thể diễn ra vào ngày 1/10 chỉ bắt đầu lan truyền vài giờ trước khi tên lửa được phóng đi. Không rõ thông tin này có được từ đâu. Chúng có thể đến từ hình ảnh vệ tinh, thông tin liên lạc mà tình báo chặn được hoặc thông báo ngoại giao. Iran được cho là đã thông báo cho Nga trước khi tấn công, nhưng thông tin này chưa được xác nhận.
Iran phóng 180 tên lửa đạn đạo
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói rằng Iran đã phóng tổng cộng khoảng 180 quả tên lửa trong đợt không kích diện rộng vào tối 1/10. Có hai người Israel bị thương vì mảnh vỡ tên lửa ở Tel Aviv và một dân thường Palestine thiệt mạng vì mảnh vỡ ở Jericho.
Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cho biết trong cuộc tấn công này, Iran lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Fattah (Fateh) và đã phá hủy radar thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 2 hoặc Arrow 3 của Israel.
Trong cuộc tập kích hồi tháng 4, Iran sử dụng hơn 300 UAV, tên lửa hành trình và đạn đạo.
Lần này, Iran không sử dụng UAV. Điều đó cho thấy, chúng có vẻ như không hiệu quả trước một đối thủ có hệ thống phòng không tinh vi của Israel. Iran cũng có thể đã không sử dụng tên lửa hành trình trong cuộc tấn công ngày 1/10 mà chỉ sử dụng tên lửa đạn đạo.
UAV Shahed của Iran có tốc độ tương đối chậm và có thể dễ dàng bị máy bay chiến đấu bắn hạ. Tên lửa hành trình dựa vào khả năng cơ động để xuyên thủng hệ thống phòng không, nhưng cũng vẫn chậm hơn so với tên lửa đạn đạo. Tên lửa hành trình Paveh của Iran chỉ có tốc độ khoảng 500mét/giây.
Nga cũng sử dụng UAV Shahed trong các cuộc tấn công vào Ukraine. Hồi tháng 8 vừa qua, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrskyi cho biết, nước này đánh chặn được 63% UAV, 67% tên lửa hành trình do Nga phóng trong khi tỷ lệ đánh chặn tên lửa đạn đạo chỉ là 4,5%.
Tên lửa đạn đạo rất khó đánh chặn do chúng có tốc độ cao. Các tên lửa Emad và Ghadr được Tehran sử dụng trong cuộc tấn công hồi tháng 4 có thể di chuyển với tốc độ gấp 6 lần tốc độ âm thanh và mất 12 phút để bay từ Iran tới Israel. Tốc độ của chúng hơn 4.600 mét/giây.
Trong khi đó tên lửa siêu thanh Fattah có tốc độ tối đa ước tính là 10.000 mét/giây.
Theo đánh giá của Mỹ cách đây hơn 2 năm, Iran được cho là có khoảng 3.000 tên lửa đạn đạo. Con số này ở thời điểm hiện tại có thể cao hơn. Dù đã phóng 180 tên lửa đạn đạo, nhưng Iran được cho là vẫn giữ lại phần lớn kho vũ khí của mình trong trường hợp xung đột với Israel leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Những hệ thống phòng không hiện đại của Israel và chi phí đánh chặn
Việc phóng 180 tên lửa đạn đạo vào Israel trong khoảng thời gian ngắn cho thấy Iran đã tìm cách áp đảo hoặc làm kiệt quệ hệ thống phòng không của đối phương.
Israel sở hữu nhiều hệ thống phòng không tinh vi có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa từ bên ngoài vào nước này, từ tên lửa tầm ngắn đến tên lửa hành trình và đạn đạo.
Theo Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel (IMDO), lớp dưới cùng trong hệ thống phòng không của nước này là Vòm Sắt.
Có ít nhất 10 khẩu đội Vòm Sắt ở Israel, mỗi khẩu đội được trang bị một radar phát hiện tên lửa. Khi phát hiện mục tiêu, hệ thống chỉ huy và kiểm soát sẽ nhanh chóng tính toán xem quả đạn đang bay tới có thể gây ra mối đe dọa hay nó sẽ rơi xuống khu vực không có người ở. Nếu tên lửa thực sự gây ra mối đe dọa, Vòm Sắt sẽ phóng tên lửa đánh chặn để phá hủy nó trên không.
Mỗi quả tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt có giá 40.000-50.000 USD. Tuy nhiên, hệ thống này chủ yếu được sử dụng để đánh chặn tên lửa tầm ngắn, thường là các tên lửa do Hamas phóng từ Gaza.
Lớp tiếp theo là David's Sling, được sử dụng để chống lại các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung. David’s Sling là dự án chung giữa Rafael của Israel và Raytheon của Mỹ. Hệ thống này sử dụng các tên lửa đánh chặn Stunner và SkyCeptor để tiêu diệt mục tiêu cách xa tới 300km.
Tiếp sau David’s Sling là các hệ thống Arrow 2 và Arrow 3 do Israel và Mỹ cùng phát triển.
Arrow 2 sử dụng đầu đạn phân mảnh để phá hủy tên lửa đạn đạo đang bay tới trong giai đoạn cuối. Arrow 2 có tầm bắn 90km và độ cao đánh chặn tối đa là 50km. Hệ thống này được xem là phiên bản nâng cấp của hệ thống Patriot.
Trong khi đó, Arrow 3 đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới trong không gian, trước khi chúng quay trở lại bầu khí quyển trên đường đến mục tiêu. Arrow 3 có tầm bắn 2.400km và độ cao đánh chặn tối đa là 90km.
Do các hệ thống phòng không của Israel đều rất hiện đại, nên tên lửa đánh chặn cũng rất đắt tiền.
Hồi tháng 4, một cựu cố vấn tài chính của tham mưu trưởng IDF cho biết một tên lửa Arrow thường có giá 3,5 triệu USD và tên lửa đánh chặn David's Sling có giá 1 triệu USD.
Trong cuộc tấn công hồi tháng 4, Israel được cho là tốn hơn 1 tỉ USD tiền tên lửa phòng không và các thiết bị khác để đánh chặn tên lửa và UAV của Iran.
Với khoảng 180 tên lửa đạn đạo mà Iran đã phóng trong cuộc tấn công ngày 1/10, Israel có thể phải sử dụng tới các hệ thống phòng không phức tạp đi kèm với các tên lửa đánh chặn có giá rất đắt đỏ và do vậy, chi phí lần này sẽ cao hơn nhiều so với hồi tháng 4.