Khởi động Dự án công trình hiệu quả năng lượng 2023
Mới đây, Lễ khởi động giới thiệu Dự án công trình hiệu quả năng lượng 2023 và thảo luận về thách thức trong vận hành công trình để đảm bảo hiệu quả năng lượng diễn ra thành công tốt đẹp tại Hà Nội.
Chương trình có sự góp mặt của các đại diện đến từ Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam, Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội CEA, Công ty TNHH CBRE Việt Nam và hơn 30 kỹ sư trưởng, giám đốc kỹ thuật, nhà tư vấn năng lượng hiện đang làm việc tại các tòa nhà thương mại, văn phòng, khách sạn, trường học và bệnh viện.
Mở đầu chương trình, bà Trần Thị Thu Phương - Sáng lập Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN Vietnam nhấn mạnh: “Trước bối cảnh giá năng lượng leo thang như hiện nay, hiệu quả năng lượng được coi là ưu tiên hàng đầu để giúp các nhà đầu tư tối ưu chi tiêu, tăng cường chất lượng tiện nghi và giảm thiểu tác động đến môi trường. Trong đó, cán bộ quản lý kỹ thuật đóng vai trò “thực thi” và cần tăng cường năng lực chuyên môn liên tục”.
Ông Nguyễn Thành Trung - Quản lý Kỹ thuật Cấp cao, CBRE Việt Nam chia sẻ: “Một thách thức đáng kể nằm ở tư duy của người vận hành. Hiện nay, công nghệ giúp việc vận hành có thể điều khiển tự động hóa, song lại đòi hỏi “kỳ công” của người kỹ sư. Nếu người vận hành sẵn sàng học hỏi, không ngừng tìm hiểu kỹ các đặc thù và cơ hội vận hành tối ưu, thì họ hoàn toàn có thể làm chủ quá trình điều khiển đó một cách tốt nhất. Không chỉ người quản lý mà toàn bộ đội ngũ kỹ thuật cũng hiểu rằng đây chính là thách thức cơ bản ở rất nhiều công trình hiện nay”.
Đại diện Hội kỹ sư trưởng, ông Phạm Huy Tuấn bày tỏ: “Thách thức lớn nhất hiện nay là năng lực người vận hành kỹ thuật. Thực tế tại Việt Nam chưa có đào tạo chính quy về Kỹ sư trưởng. Bên cạnh đó, chất lượng các chương trình đào tạo ngắn hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công việc đặc thù kỹ thuật mà mới chỉ dành ở mức “khái niệm”.
Từ góc nhìn quản lý, dựa trên đánh giá về tầm quan trọng của Hiệu quả năng lượng, bà Phạm Thanh Loan - Quản lý Dự án, CBRE Việt Nam cho biết: “Hiểu biết từ chủ đầu tư về lợi ích và tiềm năng của Hiệu quả Năng lượng cần được tăng cường hơn nữa. Chúng ta cần có nhiều chương trình thực tiễn giúp chủ đầu tư có cơ hội cắt giảm chi phí vận hành và đầu tư nâng tầm chất lượng bất động sản”.
Theo ông Nguyễn Văn Chính - Quản lý Kỹ thuật của khách sạn JW Marriott Hà Nội, chủ đầu tư cũng cần nhìn nhận đúng hơn về vai trò của kỹ sư trưởng khi mức trả lương hiện tại trên thị trường chưa phản ánh được điều này. Với kỹ sư trưởng, việc nắm bắt căn bản kỹ thuật rất quan trọng để xây dựng giá trị chuyên môn cốt lõi, từ đó khẳng định vị thế chuyên môn trong mắt chủ đầu tư.
Ngoài các phản hồi xoay quanh năng lực, các đại diện cũng chia sẻ khó khăn liên quan đến hệ thống kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống HVAC. Theo ông Phạm Hữu Kiên - Giám sát kỹ thuật - Bộ phận vận hành Công ty TNHH Aeon Delight Việt Nam, nhu cầu làm mát tại các tòa nhà hỗn hợp đòi hỏi vận hành hệ thống điều hòa linh hoạt vừa đảm bảo tiện nghi đa dạng của nhiều khách hàng khác nhau nhưng vẫn đảm bảo tối ưu về năng lượng. Chiller (loại máy phát sinh ra nguồn lạnh để làm lạnh các đồ vật, thực phẩm, hoặc các khu vực cần làm lạnh) chiếm 35% chi phí năng lượng, theo các hướng dẫn cài đặt nhiệt độ tiết kiệm năng lượng thì chưa đáp ứng được nhu cầu làm mát khác nhau của khách hàng. Bên cạnh đó, chương trình ghi nhận các ý kiến về khó khăn như vận hành hệ thống kỹ thuật cũ trong bối cảnh tích hợp với hệ thống mới, tuân thủ kế hoạch vận hành, bảo trì bảo dưỡng.
Đứng trước bối cảnh giá năng lượng đang tăng cao và tình hình kinh tế rơi vào trạng thái suy thoái, việc tìm ra giải pháp giúp các chủ đầu tư có thể giảm chi phí vận hành nhưng vẫn không làm giảm sự tiện nghi cho các tòa nhà đang trở nên cần thiết.
Tại phần công bố nội dung Dự án công trình hiệu quả năng lượng 2023, Đại diện Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam, bà Nguyễn Phương Thảo đã chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và các hoạt động chi tiết của dự án. Cụ thể, dự án Công trình Hiệu quả Năng lượng 2023 là chương trình đào tạo cấp chứng nhận và hỗ trợ tư vấn hiệu quả năng lượng cho các công trình phi nhà ở. Chương trình được khởi xướng bởi Mạng lưới hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN Vietnam với sự đồng hành từ CBRE Việt Nam và Hội Kỹ sư trưởng CEA.
Dự án kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vị thế kỹ sư trưởng và người quản lý trong việc giải đáp bài toán năng lượng, cũng như đem lại lợi ích kinh tế & môi trường cho khách hàng cùng chủ doanh nghiệp. Dự án bao gồm 2 hoạt động chính: Hoạt động đào tạo trực tuyến có cấp chứng nhận về Nâng cao hiệu quả năng lượng cho công trình phi dân cư, được giảng dạy trực tiếp bởi các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm đến từ CHLB Đức và Việt Nam.