Khởi động trồng rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng
Trồng rừng vùng ven biển tại hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định góp phần vào phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải, tạo thu nhập cho người dân.
Lễ khởi động trồng rừng thuộc Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng” (dự án KFS) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã diễn ra chiều ngày 7/2 tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thuộc Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng ven biển châu thổ sông Hồng.
Phát biểu tại lễ khởi động, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá dự án, không những có ý nghĩa về môi trường mà còn có ý nghĩa về mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như thể hiện trách nhiệm của hai quốc gia đối với những nỗ lực chung của toàn cầu.
Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc đã quan tâm, hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án quan trọng này. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả, vai trò, chức năng của vùng rừng ven biển tại hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải, tạo thu nhập cho người dân, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 4/10/2021.
Cùng với hai tỉnh, sự tham gia có hiệu quả của chuyên gia tư vấn Hàn Quốc, đến hôm nay dự án đã hoàn thành mọi thủ tục pháp lý, mặt bằng và các điều kiện cần thiết cho việc trồng mới 250 ha và phục hồi 80 ha rừng ngập mặn.
Với quyết tâm của các bên, sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của nhà tài trợ, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, Thứ trưởng tin tưởng rằng, dự án sẽ được tổ chức thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao.
Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ, Ninh Bình thường xuyên bị ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, mưa lớn, lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn… gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế và sản xuất nông nghiệp đặc biệt là vùng ven biển huyện Kim Sơn.
Trong những năm vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm đến các giải pháp bảo vệ, khôi phục và quản lý bền vững rừng ngập mặn. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ các tuyến đê biển; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Song Tùng đề nghị nhà đầu tư, đơn vị thi công tập trung các nguồn lực để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ; tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, ban quản lý dự án của tỉnh; liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân để triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, chủ rừng khu vực ven biển.
Về phía địa phương, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng đề nghị Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án các địa phương và các bên thực hiện dự án với hiệu quả cao nhất và đảm bảo chất lượng, tiến độ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa phương; quyết tâm hoàn thành việc trồng và phục hồi rừng ngay trong mùa trồng rừng năm 2023.
Cùng với đó là triển khai ngay các hoạt động phát triển sinh kế cho cộng đồng và tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả quản lý rừng.
UBND các tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các bên và tạo điểu kiện thuận lợi để triển khai thành công các hoạt động tại hiện trường, đặc biệt là việc bàn giao mặt bằng trồng rừng, để triển khai trồng đảm bảo mùa vụ và chất lượng rừng trồng.
Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng Sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (Korea Forest Service - KFS) tài trợ với tổng vốn đầu tư 4,392 triệu USD; trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc là 3,792 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 0,6 triệu USD.
Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ 2020-2024) bao gồm cả thời gian chuẩn bị dự án. Địa điểm thực hiện: Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khoi-dong-trong-rung-ngap-man-vung-dong-bang-song-hong/280105.html