Khơi gợi những dòng ký ức về nhạc sĩ Văn Cao

Buổi trò chuyện nhỏ và ấm áp giữa các nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ nhân sự kiện 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao diễn ra vào chiều 6/11 tại trụ sở tòa soạn Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hà Nội đã khơi gợi những dòng ký ức đẹp về người nghệ sĩ tài danh bậc nhất của Việt Nam.

Buổi trò chuyện giữa các văn, nghệ sĩ về nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Buổi trò chuyện giữa các văn, nghệ sĩ về nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: NHẬT QUANG)

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Thành Chương đã cùng nhà báo, nhà thơ Hữu Việt chia sẻ những câu chuyện, gợi cho bạn đọc yêu mến Văn Cao hình dung lại chặng đường sự nghiệp, những sáng tác cũng như những dấu ấn trong cuộc đời của ông.

Chỉ với hơn 1 giờ đồng hồ, với những ký ức và tình cảm đặc biệt của mình, các diễn giả đã đề cập đến những chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao, những lĩnh vực mà ông tham gia ngoài âm nhạc như thơ, hội họa…, cũng như quan điểm sống, quan điểm sáng tác và sự vươn lên mạnh mẽ cùng hy vọng và tình yêu vào cuộc sống của nhạc sĩ.

Các diễn giả trò chuyện về nhạc sĩ Văn Cao.

Các diễn giả trò chuyện về nhạc sĩ Văn Cao.

Chặng đường hoạt động nghệ thuật trong âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn sáng tác các ca khúc lãng mạn, với âm hưởng âm nhạc dân gian Việt Nam rất rõ rệt, khởi đầu là “Buồn tàn thu” và đỉnh cao là “Thiên thai”; giai đoạn lĩnh hội và đi theo lý tưởng Cách mạng, trở thành một chiến sĩ, từ câu ca đầu tiên “Đoàn quân Việt Minh đi…” trong “Thăng Long hành khúc ca” đến “Tiến quân ca”, như một sự chia tay với giai đoạn lãng mạn.

Giai đoạn thứ 3 là ca khúc rất quan trọng, cũng là ca khúc duy nhất, được ông viết năm 1976 “Mùa xuân đầu tiên”. Không chỉ nói về hòa bình, về sự trở lại sau chiến tranh của những người lính, mà còn nói về sự hòa hợp: “từ đây người biết yêu người”…

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể lại những kỷ niệm về nhạc sĩ Văn Cao.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể lại những kỷ niệm về nhạc sĩ Văn Cao.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết, ông gặp nhạc sĩ Văn Cao từ sau khi ông giành giải thưởng từ một bài thơ của mình, và được nhạc sĩ giao cho nhiệm vụ biên tập một tập thơ. Từ đó, ông trở thành một trong những người luôn ở bên Văn Cao trong cả công việc và những trao đổi về văn thơ, nhạc…

Họa sĩ Thành Chương lại là người có may mắn khi được theo cha là nhà văn Kim Lân đến gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Văn Cao trong những cuộc đàm đạo của các văn nghệ sĩ cùng lứa thời bấy giờ.

Họa sĩ Thành Chương nói về những ảnh hưởng của nhạc sĩ Văn Cao tới cuộc đời mình.

Họa sĩ Thành Chương nói về những ảnh hưởng của nhạc sĩ Văn Cao tới cuộc đời mình.

“Nhạc sĩ Văn Cao là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi, vì chính ông là người dạy tôi cầm bút vẽ những nét vẽ đầu tiên, và sau này lại trở thành cộng tác viên vô cùng thân thiết với tôi trong việc vẽ tranh minh họa báo Văn Nghệ. Và chính những bức họa này tạo nên phong cách riêng của nhạc sĩ Văn Cao, khẳng định ông là người đi đầu trong thể loại minh họa, với nhiều ý tưởng hiện đại, vượt thời gian” - họa sĩ Thành Chương cho biết.

Nói về tính vượt thời gian trong các tác phẩm của Văn Cao, các diễn giả cũng đề cập đến sự tiên tri. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, “Tiến quân ca” là một sự tiên tri, trong đó có cả sự tiên tri về những khó khăn “trên đường gập ghềnh xa”. Còn PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ phân tích bìa tập hồi ký “Người Hà Nội” do Văn Cao vẽ minh họa cũng có sự tiên tri khi sử dụng hình ảnh những khối nhà cao tầng và cắt dán báo để tạo hình.

Không chỉ là nhạc sĩ hàng đầu trong nền âm nhạc Việt Nam, Văn Cao còn là một trong những người đi đầu trong cả thơ chống Pháp. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết, Văn Cao đến với thơ bằng Đường luật, bằng những chủ nghĩa, thi pháp về thơ, như ấn tượng, siêu thực… Từ những đóng góp ấy, ông mở ra thơ theo khuynh hướng mới của nghệ thuật.

 PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ tại buổi tọa đàm.

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ tại buổi tọa đàm.

Tài năng trong nhiều lĩnh vực, nhưng Văn Cao lại là người tự học. PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, nhạc sĩ Văn Cao học âm nhạc trong một trường dòng, hội họa học dự thính. Ông luôn là một tấm gương sâu sắc về sự tự học. "Thế hệ trẻ ngày nay hãy nhìn vào sự tự học của ông, từ quá trình lặng lẽ tự nạp kiến thức để có tác phẩm. Quan trọng nhất là học từ trường đời, ngẫm được những chất liệu gì từ đời sống để đưa vào trong con người mình" - PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Buổi talk show mini là hoạt động trong chương trình đặc biệt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức. Chương trình gồm tọa đàm khoa học với chủ đề “Thế giới Nhạc, Thơ, Họa của Văn Cao” với khoảng 20 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và gia đình nhạc sĩ Văn Cao; triển lãm 100 bức tranh minh họa trên báo và 100 bìa sách của nhạc sĩ Văn Cao thực hiện, diễn ra từ 8 giờ sáng 8/11 tại Tòa soạn Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-goi-nhung-dong-ky-uc-ve-nhac-si-van-cao-post781253.html