Khối lượng công việc 'khổng lồ' trong giai đoạn thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát
Tổng số tiền và tài sản mà cơ quan thi hành án TPHCM phải tổ chức thi hành liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát là trên 50.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng số tiền mà cơ quan thi hành án phải thi hành trong năm 2024. Khối lượng công việc và giá trị tài sản phải thi hành trong thời gian tới là 'khổng lồ'.
Chiều 11/12, đoàn công tác Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thông tin về việc chuẩn bị và dự báo trong công tác thi hành án đối với vụ án Vạn Thịnh Phát, cũng là nhiệm vụ thi hành án lớn nhất trong lịch sử thi hành án.
Theo ông Khôi, ở giai đoạn 1 của vụ án, bản án tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan bồi hoàn cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 673.000 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án TPHCM phải tổ chức thi hành tổng số tiền 22.742 tỷ đồng, 1.084 bất động sản và hơn 1 tỷ cổ phần và các tài khoản đã phong tỏa. Với giai đoạn 2, cơ quan thi hành án thành phố có nghĩa vụ thi hành hơn 31.139 tỷ đồng và bồi thường cho hơn 43.000 người.
“Tổng số tiền và tài sản mà cơ quan thi hành án TPHCM phải tổ chức thi hành liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát là trên 50.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng số tiền mà cơ quan thi hành án phải thi hành trong năm 2024. Khối lượng công việc và giá trị tài sản phải thi hành trong thời gian tới là khổng lồ”, ông Khôi nói.
Theo đó, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân các cấp. Tiến hành rà soát và tiếp nhận các vật chứng, tài sản; đồng thời rà soát về mặt kỹ thuật để đảm bảo phán quyết của tòa là đúng, chính xác, tránh việc phải giải thích, bổ sung hồ sơ trong giai đoạn thi hành án. Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp cũng đã báo cáo, xin chủ trương và được Trung ương và Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành để tổ chức thi hành và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Ông Mai Lương Khôi nhấn mạnh, khối lượng bất động sản phải xử lý đặc biệt lớn; chủng loại bất động sản rất đa dạng và phức tạp. Tính chất pháp lý của các tài sản này cũng rất phức tạp, nhiều tài sản không đứng tên trực tiếp của bà Trương Mỹ Lan, không đứng tên Vạn Thịnh Phát mà đứng tên người khác.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan chức năng TPHCM cần kịp thời xử lý, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền, nhất là các vướng mắc về pháp lý tài sản trước khi đưa ra thi hành án. Vị này cho rằng, cần đảm bảo tài sản sạch và đảm bảo đủ điều kiện để đưa ra định giá, bán đấu giá. Sau khi đấu giá xong thì đủ điều kiện để sang tên và giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, tránh phát sinh thiệt hại, khiếu nại.
“Trong giai đoạn 2, tòa cấp cao xử phúc thẩm vụ án giai đoạn 2 có hiệu lực có nghĩa hơn 43.000 người được thi hành án thì lúc đó chúng ta phải có nguồn để chi trả. Tới lúc đó mà không có nguồn để cơ quan thi hành án chi trả thì chắc chắn phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh trật tự”, ông Khôi nhìn nhận.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố có Ban chỉ đạo, lập tổ công tác và đặt ra nhiều việc để giải quyết ngay, đồng thời chuẩn bị các lực lượng, các phương tiện, điều kiện để triển khai như một nhiệm vụ phải làm. Đi cùng đó, ông Mãi cũng cho rằng, giữa Cục Thi hành án thành phố và các cơ quan liên quan cần phối hợp xem vấn đề nào cần xây dựng quy chế, vấn đề nào cần ngồi lại với nhau để thống nhất, chia sẻ.
Vụ việc chưa từng có trong tiền lệ
Cũng liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, tình huống đặt ra cho thành phố một vụ việc chưa từng có tiền lệ với quy mô, tính chất buộc thành phố phải đáp ứng và giải quyết nó cũng bằng một loại cơ chế đặc thù.
Với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TPHCM, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá chưa có lúc nào ngành thi hành án thành phố không bị quá tải. Dù vậy, đội ngũ vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng từng hoạt động trong quá trình thực thi pháp luật trên địa bàn và đây là một kết quả đáng hoan nghênh.
Ông Nên cho rằng, điều lo ngại nhất là bước thi hành án. “Khi chuẩn bị đem ra xét xử chúng ta đã nói rồi, nó sẽ là rắc rối không thể tưởng tượng”, ông bày tỏ.
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TPHCM thống nhất cao với đề xuất thành lập Ban chỉ đạo liên ngành để huy động lực lượng, đảm bảo nguồn lực tương xứng với quy mô vụ án nhằm xử lý chu toàn những nội dung công việc có liên quan đến vụ án.