Khối lượng trúng thầu vàng tăng dần, tỷ giá vẫn tiến tới đỉnh mới

Tuần qua ghi nhận động thái các phiên đấu thầu vàng miếng SJC vẫn được tổ chức và kết quả cho thấy, khối lượng trúng thầu qua các phiên đang tăng dần. Trong khi đó, diễn biến tỷ giá trong nước vẫn tiếp tục tăng.

Khối lượng đấu thầu vàng tăng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng miếng SJC trong tuần qua. Phiên đấu thầu hôm 21/5 đã có 9 thành viên trúng thầu với khối lượng trúng thầu là 79 lô, tương đương với 7,9 nghìn lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất và thấp nhất đều là 89,42 triệu đồng/lượng.

Phiên tiếp theo được tổ chức sau đó 2 hôm, ngày 23/5, với 11 thành viên đã trúng thầu. Tổng khối lượng vàng miếng SJC trúng thầu trong phiên này là 13,4 nghìn lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 88,73 triệu đồng/lượng vàng và giá trúng thầu thấp nhất là 88,72 triệu đồng/lượng vàng.

Trong các phiên đấu thầu gần đây, tổng khối lượng vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu đều là 16,8 nghìn lượng vàng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng. Khối lượng đặt thầu tối thiểu là 500 lượng vàng, khối lượng đặt thầu tối đa là 4 nghìn lượng vàng.

Các phiên đấu thầu vàng vẫn được tổ chức đều đặn. Ảnh: T.L

Các phiên đấu thầu vàng vẫn được tổ chức đều đặn. Ảnh: T.L

5 doanh nghiệp bị thanh tra kinh doanh vàng

Cũng trong chuỗi các hoạt động nhắm tới kiểm soát thị trường vàng, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã họp với các bộ, ngành liên quan để công bố hoạt động thanh tra vàng và công khai danh sách 5 doanh nghiệp thuộc đối tượng thanh tra lần này. Đó là Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quí Sài gòn (SJC), Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Vàng bạc đá quí Doji, CTCP Vàng bạc đá quí Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.

Thời gian thanh tra là 45 ngày, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và các quy định có liên quan, tập trung vào một số nội dung, bao gồm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Đoàn thanh tra cũng tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động này. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp, tăng cung vàng miếng SJC, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng quốc tế với những cách tiếp cận mới để đạt được kết quả một cách bền vững.

Nghị định mới của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và an toàn hơn cho hoạt động thanh toán. Ảnh: T.L

Nghị định mới của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và an toàn hơn cho hoạt động thanh toán. Ảnh: T.L

Chính phủ ban hành nghị định mới cho thanh toán

Một trong những thông tin quan trọng được thị trường tiền tệ đón nhận trong tuần vừa qua là việc Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Nghị định mới được thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

Vai trò của các nội dung về thanh toán quốc tế

Quy định về thanh toán quốc tế tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP nhằm nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh toán quốc tế và đẩy mạnh các mô hình hợp tác cung ứng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ thanh toán đối với thương mại điện tử ngày càng gia tăng.

Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định để làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế (Điều 3); vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước đối với thanh toán quốc tế (Điều 4). Đồng thời, Nghị định 52 cũng quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế (Điều 5); quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng (Điều 5, Điều 21)...

Tỷ giá vẫn tiếp tục leo dốc

Tỷ giá trung tâm đầu tuần mới được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.247 đồng/USD, tăng 12 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước. Tiếp đó trong các ngày trong tuần, tỷ giá tiếp tục leo dốc và đạt mức 24.264 đồng/USD vào cuối tuần. Theo đó, tỷ giá trung tâm đã tăng 17 đồng mỗi Đô la so với hôm đầu tuần và tăng 29 đồng mỗi Đô la so với hôm cuối tuần trước.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra do Vietcombank công bố hôm thứ hai đầu tuần là 25.459 đồng/USD, tăng 9 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước. Ngân hàng này cũng điều chỉnh tăng liên tục tỷ giá bán ra qua từng ngày và đến hôm thứ sáu cuối tuần công bố tỷ giá bán ra là 25.477 đồng mỗi Đô la, tương ứng mức tăng 18 đồng mỗi Đô la so với đầu tuần và tăng 27 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ có phần nhích tăng chút ít so với tuần trước, cụ thể ở mức 105 điểm vào buổi chiều ngày 24/5 theo giờ Việt Nam.

Giá vàng miếng SJC giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao

Giá vàng miếng SJC trong những ngày gần đây đã không tăng và có thời điểm giảm nhẹ, nhưng mặt bằng giá vẫn còn neo ở mức khá cao. Tại thời điểm chiều ngày 24/5, giá vàng miếng SJC 9999 mua vào là 87,5 triệu đồng/lượng và bán ra là 89,5 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn SJC 9999 mua vào là 76,4 triệu đồng/lượng và bán ra là 76,5 triệu đồng/lượng.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-luong-trung-thau-vang-tang-dan-ty-gia-van-tien-toi-dinh-moi-151528.html