Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nguồn lực quan trọng phát triển quốc gia
'Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển luôn là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư'...
Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Chương trình "Dấu ấn - Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2022" tối 3/12 ở Bình Dương.
ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Sự kiện Techfest 2022 nhằm cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước, quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và kết nối, hợp tác vì một cộng đồng năng động, sáng tạo, thịnh vượng và phát triển.
“Khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp sáng tạo, tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững còn khó hơn rất nhiều. Tôi cũng rất vui mừng vì người Việt Nam chúng ta cũng đã và đang tạo dựng được những mô hình doanh nghiệp như vậy. Qua đó, bước đầu tạo được nền tảng để phát triển và vươn tầm quốc tế.”Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Phát biển tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi cho đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển luôn là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực tiễn kinh nghiệm quốc tế đã minh chứng, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế các quốc gia, góp phần giải quyết khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chính phủ cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, ban hành khung khổ pháp lý và các đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để hệ sinh thái khởi nghiệp - sáng tạo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Các bộ, ngành, địa phương cũng có các chương trình, đề án riêng nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cũng phát động chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Hệ sinh thái phát triển năng động với khoảng 140 trường đại học, học viện, cao đẳng có các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ… nhằm hỗ trợ khởi nghiệp lâu dài.
“Khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp sáng tạo, tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững còn khó hơn rất nhiều. Tôi cũng rất vui mừng vì người Việt Nam chúng ta cũng đã và đang tạo dựng được những mô hình doanh nghiệp như vậy. Qua đó, bước đầu tạo được nền tảng để phát triển và vươn tầm quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.
NHIỆM VỤ CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ TOÀN DÂN
Qua tóm tắt những "dấu ấn" mà Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày, một số doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo của Việt Nam có giá trị hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển cả trong nước và ngoài nước. Người đứng đầu Chính phủ tin rằng: Trí tuệ Việt Nam, ý chí người Việt Nam, sức sáng tạo Việt Nam đã và đang từng bước khẳng định và vươn ra thế giới. Hiện, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hay Bình Dương đang đi đầu trong phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cả về chiều rộng và chiều sâu. Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã và đang có những bước tiến đầu tiên, đặt nền móng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương. Đó là những tín hiệu hết sức đáng mừng.
Đến nay, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Việt Nam tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Để sớm thu hẹp khoảng cách này và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh mẽ về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có giải pháp gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tri thức, khoa học công nghệ và đặc thù riêng có của đất nước, con người Việt Nam.
“Đảng, Nhà nước xác định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị, của toàn dân và mỗi cá nhân; triển khai đồng bộ, sâu rộng, thường xuyên, liên tục nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài; phát huy truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường của con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, xây dựng thể chế, chính sách, kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
SÁU NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN THỰC HIỆN TỐT
Thủ tướng kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam – một đất nước anh hùng. Với tinh thần "Đổi mới sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới", mỗi công dân là một nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đề nghị cần tập trung thực hiện tốt sáu nhiệm vụ:
Một là, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, giải quyết các bài toán về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng lao động…
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; quan tâm, đầu tư, có công cụ và chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương, quốc gia; Khuyến khích những ý tưởng mới, những kế hoạch sáng tạo, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế trên đất nước ta và trên toàn cầu.
Ba là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ, sản phẩm mới… Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.
Bốn là, phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, "vườn ươm sáng tạo" tạo, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện, trường là chủ thể nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Năm là, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông và ngay từ những ngày đầu khi thanh niên có ý tưởng lập nghiệp.
Sáu là, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau (Nhà nước, các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các tập đoàn, tổ chức quốc tế, các cá nhân và cộng đồng).