Khởi nghiệp thành công giữa mùa dịch
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến không ít thanh niên gặp khó khăn do mất đi cơ hội việc làm, thậm chí có người lâm vào cảnh nợ nần. Tuy nhiên với bản tính chịu khó tìm tòi, học hỏi và ý chí, khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, anh Nguyễn Đức Bảo (sinh năm 1989) ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đã khởi nghiệp thành công ngay trên quê hương mình giữa mùa dịch.
Hoàn thành mọi thủ tục để xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc cách đây 2 năm nhưng do COVID-19 nên mọi kế hoạch, ước mơ, dự định của Bảo đành phải gác lại. Tốn kém không ít chi phí để học ngoại ngữ và làm các thủ tục để xuất khẩu lao động nhưng rồi phải ở nhà, không có việc làm, định hướng nghề nghiệp cũng rất mơ hồ. Dịch bệnh nên cũng không thể đi làm ăn xa được, ở địa phương thì chưa biết làm việc gì ổn định lâu dài.
Khó khăn là vậy nhưng với ý chí vươn lên, qua người thân, bạn bè, anh đã mạnh dạn liên kết với một doanh nghiệp để phát triển mô hình nuôi gà công nghệ cao. Trên cơ sở một ít vốn có được, vay mượn thêm của anh em trong gia đình, đồng thời được tín chấp cho vay vốn ưu đãi qua kênh đoàn thanh niên; tận dụng quỹ đất sản xuất sẵn có của gia đình, anh xây dựng 2 trại gà, mỗi trại rộng 400 m2 cùng với các trang thiết bị phục vụ chăn nuôi khác.
Tháng 6/2020, anh thả nuôi lứa đầu tiên. Mỗi lứa 8.000 con, sau 3 tháng nuôi là xuất bán, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi từ 70 - 90 triệu đồng/lứa. Sau mỗi đợt xuất bán, anh bắt đầu tổng vệ sinh chuồng trại và nuôi lại lứa khác, mỗi năm nuôi 4 lứa, thu lãi trên dưới 300 triệu đồng.
“Nuôi theo hình thức liên kết này, mình chỉ lo đầu tư cơ sở hạ tầng, chuồng trại và công chăm sóc, còn doanh nghiệp sẽ cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và đảm bảo đầu ra sản phẩm nên rất yên tâm. Quan trọng là nuôi đảm bảo quy trình kỹ thuật, phòng bệnh tốt để gà không bị bệnh và phát triển nhanh, đạt trọng lượng khi xuất bán sẽ cho lợi nhuận cao”, Nguyễn Đức Bảo chia sẻ.
Không chỉ tạo được thu nhập ổn định trong thời điểm COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, mô hình của anh Bảo còn tạo việc làm cho 3 lao động. Mới đây, mô hình này được Tỉnh đoàn Quảng Trị chọn là 1 trong 8 sáng kiến khởi nghiệp, chuyển đổi việc làm của thanh niên tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh và Cam Lộ.
Trên cơ sở đó, mô hình được “Dự án giảm nhẹ tác động của COVID-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương” do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm hỗ trợ sinh kế và cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống cho thanh niên xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với số tiền 93 triệu đồng.
Anh Bảo cho biết, với số tiền hỗ trợ này anh sẽ đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ chăn nuôi tại trang trại như máy phát điện, khoan giếng, bồn chứa nước, nhà trực và nghỉ lại của người lao động. Ngoài ra, để mở rộng quy mô chuồng trại, anh sẽ dùng tiền lãi thu được từ các lứa gà trước xây thêm một dãy chuồng khoảng 400 m2 nữa nhằm tăng số lượng nuôi, tạo thêm việc làm cho lao động thất nghiệp ở địa phương.
“Trong khi không ít bạn trẻ khởi nghiệp phải điêu đứng vì COVID-19 thì thu nhập của anh Nguyễn Đức Bảo lại ngày một tăng lên nhờ nhanh chóng chuyển đổi sinh kế, năng động, kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường; biết phát huy sức trẻ, tinh thần xung kích, vượt khó làm giàu ngay trên quê hương mình. Chúng tôi xem đây là một trong những nhân tố điển hình trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp để nhân rộng trong đoàn viên thanh niên”, Bí thư Huyện đoàn Cam Lộ Nguyễn Thị Hoàng Oanh chia sẻ.