Khởi nghiệp trên quê hương 'đất thép thành đồng' Củ Chi

Phú Hòa Đông là một trong những xã anh hùng của vùng 'đất thép thành đồng' Củ Chi (TPHCM). Trong kháng chiến, Phú Hòa Đông là vùng căn cứ cách mạng, từng chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt và cũng gánh chịu không ít đau thương, mất mát do bom đạn. Hòa bình lập lại, người dân nơi đây đã cùng nhau đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới, đưa vùng đất lửa nở hoa, 'cất cánh'.

 Chị Nguyễn Hồ Vy viết tiếp khúc tráng ca bằng hành trình khởi nghiệp với nghề truyền thống quê hương

Chị Nguyễn Hồ Vy viết tiếp khúc tráng ca bằng hành trình khởi nghiệp với nghề truyền thống quê hương

Chị Nguyễn Hồ Vy, chủ cơ sở bún khô Đăng Khoa (ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TPHCM), là một trong những người con ưu tú của vùng đất "thành đồng" ấy. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bác ruột là liệt sĩ, cô ruột là người có công với cách mạng, ba mẹ đều là đảng viên, truyền thống yêu nước của gia đình đã thấm vào chị trên mỗi bước trưởng thành.

Những câu chuyện của bà, của mẹ về những năm tháng chiến đấu, về tình yêu quê hương không chỉ gieo vào chị sự biết ơn mà còn hun đúc ý chí: Phải làm gì đó để trả ơn đất Mẹ.

Chuyển hướng công việc từ một kỹ thuật viên xét nghiệm tại bệnh viện, đầu năm 2021, chị Vy cùng chồng khởi nghiệp với mong muốn vừa làm giàu cho mình vừa phát triển làng nghề quê hương.

Thời gian đầu xây dựng xưởng bún khô Đăng Khoa, cơ sở của chị chỉ có 5 nhân công, đến nay đã có hơn 20 lao động. Cơ sở của chị chuyên gia công bún khô, phở khô, bún gạo lứt… với sản lượng bán ra gần 100 tấn/tháng. Sản phẩm đã chinh phục được cả những thị trường khó tính như Mỹ, Pháp.

Để có được những bước đi vững chắc như hôm nay, vợ chồng chị Vy đã trải qua không ít khó khăn. Nhớ lại hành trình khởi nghiệp của mình, chị Vy cho biết, những ngày đầu, chị hoàn toàn không hình dung được công việc sẽ như thế nào.

Vốn quen với môi trường ngành y, chị bỡ ngỡ khi phải học cách ngâm gạo, làm bún, phơi bún rồi học cách "nhìn trời đoán thời tiết", mưa gió, nắng gắt, sương đêm... đủ thứ lo toan ập đến. Chồng chị đảm nhận khâu sản xuất, chị thì lo khâu đóng gói, từ rút bánh, ép bánh, đóng gói đến tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ngày trước làm việc trong ngành y, thùng thuốc nặng nhất cũng chỉ 5 ký, còn giờ thùng bánh khô có khi nặng tới 19-20 ký. Xưởng không đủ nhân công, chị phải xắn tay vào làm.

"Những ngày đầu khởi nghiệp thật sự rất cực nhọc. Bún tươi sau khi ra lò phải có nắng để phơi ráo rồi mới cho vào hệ thống sấy điện. Vậy nên, có những hôm mưa gió bất chợt, phơi quá nắng thì bún gãy mà không có nắng thì bún mốc, có khi hư cả tấn gạo. Trước đây, tôi không làm việc nặng nhọc, từ khi khởi nghiệp, tham gia khiêng vác, riết rồi thành quen", chị Vy kể.

Vượt qua những khó khăn ban đầu đó, vợ chồng chị Vy đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nhân công mà vẫn giữ được hồn cốt của nghề truyền thống.

"Truyền thống không chỉ để tự hào mà là nguồn lực để vươn lên. Bằng cả trái tim và khối óc, thế hệ chúng tôi hôm nay đang tiếp bước thế hệ đi trước góp sức dựng xây quê hương, để "đất thép" nở hoa ngày càng rực rỡ", chị Vy nhấn mạnh.

Phạm Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khoi-nghiep-tren-que-huong-dat-thep-thanh-dong-cu-chi-20250428123904592.htm