Khởi nghiệp trên vùng biên Nghĩa Thuận
Khởi nghiệp đã và đang là bài toán 'sinh kế', nhưng cũng đầy nan giải khi các thanh niên bắt đầu khởi nghiệp. Riêng những thanh niên xã biên giới Nghĩa Thuận (Quản Bạ) còn khó trăm bề.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao Hà Nội, Nguyễn Văn Xuân (sinh 1992), thôn Phín Ủng nung nấu ý tưởng xây dựng mô hình phát triển kinh tế tại quê nhà. Lúc mới bắt đầu, Xuân gặp vô vàn khó khăn khi kiến thức về chăn nuôi còn hạn chế, không có vốn, anh chạy vạy nhờ sự hỗ trợ của bạn bè và người thân. Nhưng vượt lên tất cả, cùng sự ham học hỏi từ những người đi trước… anh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp với quy mô 800 đôi chim Bồ câu. Mỗi năm trừ chi phí, mô hình nuôi chim Bồ câu đem lại thu nhập cho khởi nghiệp viên Nguyễn Văn Xuân trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn là chủ của mô hình trồng cây ăn quả tại địa phương.
Còn câu chuyện lập nghiệp của Mai Minh Thanh (sinh 1982), thôn Na Lình là minh chứng cho sự kiên cường, vượt khó và tinh thần xung kích dám nghĩ, dám làm của thanh niên vùng biên giới. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, học hết lớp 12, anh đi làm thuê, bươn chải nhiều nơi với mong muốn có thu nhập phụ giúp gia đình. Công việc vất vả, vừa làm, vừa tranh thủ học nghề làm “sinh kế” nuôi gia đình. Có nghề và kinh nghiệm chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa tại các trại lợn ở miền xuôi, năm 2016 anh quyết tâm xây dựng trang trại lợn với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu đồng. Sau gần 3 năm khởi nghiệp với mô hình nuôi lợn, đến nay trong chuồng gia đình anh Thanh luôn có trên 50 con lợn, mỗi năm cho thu nhập 130 triệu đồng.
Chia sẻ về phong trào thanh niên khởi nghiệp, anh Nguyễn Xuân Nam, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Thuận, cho biết: Địa phương hiện có 11 mô hình thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 6 mô hình hiệu quả cao. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, cùng quyết tâm xây dựng ước mơ làm kinh tế trên vùng đất biên cương, trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều thanh niên khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, được cấp ủy, chính quyền huyện Quản Bạ quan tâm. Đây cũng chính là động lực để các khởi nghiệp viên mạnh dạn đưa ra ý tưởng, lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp để biến sỏi đá, sương mù thành những bữa cơm chất lượng.
Bài, ảnh: Hoàng Chính (Quản Bạ)