Khởi nghiệp từ… chuột
Loài chuột xưa nay thường hay bị ghét bỏ vì tập tính phá hoại. Tuy nhiên, có một loài chuột, khác xa với những họ hàng của chúng, đó là chuột Hamster. Chúng nhỏ nhắn, đáng yêu và gần gũi với chủ. Trần Thị Ngọc Huyền (phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã lựa chọn vật nuôi này để khởi nghiệp.
Trào lưu nuôi chuột Hamster từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam cách đây 10 năm. Tại An Giang, loại thú cưng này trở nên phổ biến, được nhiều người yêu thích, nhất là giới trẻ. Quá trình nuôi thường chiếm ít diện tích, thức ăn và vật dụng chăm sóc. Bên cạnh đó, Hamster còn được yêu thích bởi chúng đáng yêu, gần gũi và thân thiện hơn so nhiều loại thú cưng khác.
Phát triển mô hình, Huyền chọn những chiếc thùng nhựa (khoảng 10 lít) để làm nơi ở cho loài vật gặm nhấm này. Phía dưới thùng lót mùn cưa giúp tản nhiệt, tạo môi trường thuận lợi cho chúng phát triển; chứa bình nước, chỗ để thức ăn… Chuồng được đặt trong phòng (diện tích 3m2). Loại thú cưng này sợ nóng, chủ nuôi phải duy trì nhiệt độ từ 20 – 28oC. Ngoài ra, chuột được đặt ở vị trí tránh ánh sáng mặt trời, gió thổi trực tiếp, nhưng phải đảm bảo thông gió…
Hamster là loài dễ nuôi. Thức ăn mà chúng yêu thích bao gồm: Ngũ cốc, yến mạch, bắp và các loại hạt. Chúng có thể ăn mọi lúc mọi nơi, chỉ cần thả đồ ăn là say mê ăn suốt cả ngày. Ngoài ra, Hamster có khả năng làm sạch bản thân bằng cách tự tắm với cát, nên người nuôi không cần quá tốn công.
Hamster nuôi trong thời gian 5 tháng có thể sinh sản. Chuột mang thai khoảng 30 ngày, số lượng sinh sản từ 2 - 9 con. Sau khi sinh khoảng 18 ngày, chuột con tự ăn uống được, cho ra riêng. Huyền cho biết, bạn đang nuôi 3 loại chuột Hamster. Trong đó, dòng Winter white ưu điểm hiền lành, nhưng chất lượng sinh sản và nuôi con thấp. Đối với giống Canpell, sinh sản tốt, nhưng lại khó gần gũi. Huyền lai giữa 2 dòng trên để tạo ra dòng có sinh sản khá tốt, hiền lành, mến chủ…
Hiện nay, chuột Hamster được ưa chuộng bởi vẻ ngoài dễ thương, bộ lông nhiều màu sắc. Chúng nằm gọn trong lòng bàn tay, khá sạch sẽ. Giá cho mỗi chú chuột Hamster được Huyền bán dao động 70.000 - 100.000 đồng. Nếu mua số lượng lớn (từ 50 con trở lên) sẽ có giá 50.000 đồng. Huyền còn bán thêm sản phẩm kèm theo, như: Lồng, phụ kiện đồ chơi, thức ăn, bình nước... Giá các mặt hàng này dao động từ 30.000 – 400.000 đồng.
“Bình quân mỗi tháng, tôi bán được khoảng 90 chú chuột. Cộng thêm chi phí bán phụ kiện, tôi thu về lợi nhuận khoảng 9 triệu đồng. Từ việc bắt đầu chăn nuôi, sau 2,5 tháng tôi đã thu hồi được vốn bỏ ra” – Huyền chia sẻ.
Huyền bắt đầu nghiên cứu, thực hiện mô hình nuôi chuột Hamster khoảng 1 năm. Việc chăm sóc cho đến sinh sản chuột đều gặp thuận lợi; chuột khỏe mạnh, đáng yêu, sinh sản tốt, phát triển nhanh… Mặt khác, nhờ việc chăn nuôi số lượng nhiều (khoảng 100 con), bạn có thể cung cấp ra thị trường theo nhu cầu. Ngoài ra, Huyền còn áp dụng chương trình bảo hành sức khỏe, tạo được lòng tin cho khách hàng…
Thời gian tới, Huyền mở rộng diện tích, số lượng lên 300 con để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường; phát triển thêm dòng Bear (có vẻ ngoài mập mạp đáng yêu cùng hành động ngộ nghĩnh). Ngoài ra, bạn trẻ này dự định nuôi thêm dòng Robo, có kích thước nhỏ nhắn nhất, nhanh nhẹn, thích chơi đồ chơi, hiền lành...
Ngoài hiệu quả về mặt kinh doanh, mô hình nuôi chuột Hamster của Trần Thị Ngọc Huyền còn mang lại những lợi ích về xã hội. Huyền chủ động phối hợp với Phường đoàn, tạo việc làm cho đoàn viên, thanh niên địa phương thông qua việc bán hàng, giao tận nơi. Bên cạnh đó, mùn cưa lót chuồng sau khi sử dụng được ủ lại làm phân bón hữu cơ vi sinh, hoặc trộn với đất tạo thành giá thể sạch bán cho trại cây giống…
Hamster được xếp hạng bình dân trong các loại thú cưng, vì giá trị và độ sang trọng. Nuôi Hamster là thú chơi tao nhã của nhiều người. Nhờ vậy, việc nuôi chuột Hamster của Trần Thị Ngọc Huyền vẫn có tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khoi-nghiep-tu-chuot-a383516.html