Khởi nghiệp từ loại cây có đầy ở nông thôn, 9x có thu nhập trên 40 triệu đồng/tháng
Từ loại cây quen thuộc, anh Luân đã biến thành những tác phẩm bonsai nghệ thuật trồng ở vườn nhà và được nhiều người yêu thích, tìm mua với giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Trước khi về quê khởi nghiệp, anh Nguyễn Sỹ Luân (SN 1995), trú tại thôn Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) từng có thời gian làm công nhân tại một khu công nghiệp tại Quế Võ (Bắc Ninh).
Mặc dù làm công nhân nhưng vốn thích các loại cây cảnh từ nhỏ, sau thời gian đi làm, tối nào anh cũng lên mạng để tìm video của các nghệ nhân cây cảnh chia sẻ về những tác phẩm nghệ thuật trong thế giới cây cảnh.
Làm được bao nhiêu tiền anh Luân lại dồn hết để mua cây cảnh cho thỏa đam mê.
Một thời gian sau, anh Luân quyết định nghỉ việc và xin theo học công việc làm cây cảnh cho một nghệ nhân ở Gia Lâm (Hà Nội). “Học được nghề rồi đi làm tỉa cây, uốn cây, tạo tác cây cảnh, bán gốm sành… được bao nhiêu tiền tôi lại mua các loại cây cảnh để trong vườn nhà. Khi thì vài trăm nghìn, khi thì vài triệu đồng”, anh Luân kể.
Khi khu vườn rộng 2.000m2 của gia đình có hàng trăm gốc cây cảnh đủ loại: tùng, cúc, trúc, mai, si, đa, đề… anh lại quyết định tìm tre để tạo thành cây bonsai, bổ sung thêm vào vườn cây cảnh của gia đình cho đa dạng.
Từ những gốc tre rất đỗi bình thường, qua bàn tay khéo léo của mình, anh Luân đã tạo ra những tác phẩm bonsai độc đáo.
“Cây tre có dáng gốc tự nhiên như bonsai, thân vừa cứng lại vừa mềm, dễ uốn. Mới đầu tôi tính trồng tre bonsai để chơi thôi nhưng càng trồng nhiều lại càng ham và thích. Bây giờ thì trong vườn nhà tôi, tre chiếm số lượng nhiều nhất”, anh Luân nói.
Thời gian đầu trồng tre bonsai, anh Luân nhập hàng trăm phôi tre từ khắp nơi về làm. Có thời điểm, mỗi ngày anh mua từ 30-50 phôi tre, có bao nhiêu tiền cũng đổ vào mua tre. Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm, hàng loạt phôi tre chết thành củi khô, chất thành đống.
Phôi tre bị chết chất thành đống trong vườn nhà.
Tuy nhiên, với bản tính ưa mạo hiểm, thích chinh phục, càng khó anh lại càng ham học hỏi, tìm hiểu nguyên nhân và đầu tư tiếp. Số tiền đầu tư cho những gốc tre lên tới hàng tỷ đồng.
“Lúc mới chơi, tôi tưởng tre dễ trồng, cứ nghĩ mua về trồng như trồng lan, tạo tác chút là sẽ thành phẩm nhưng sau này khi hàng nghìn gốc tre bị chết thì tôi mới nhận ra, tre là cây thân thảo, nếu đất trồng không cẩn thận sẽ bị thối rễ và chết”, anh Luân phân tích.
Đúc rút được kinh nghiệm trồng tre bonsai sau nhiều lần thất bại, sau khi nhận phôi tre về, anh Luân tỉa sạch rễ, trộn giá thể đất, cát cùng xơ dừa để trồng. Ngoài ra, anh chọn đặt tre vào chum gốm, bình gốm để tạo hình.
Những chiếc bình gốm bị vỡ hay lỗi kỹ thuật được anh sử dụng để trồng tre, tạo dáng bỗng trở thành những tác phẩm độc đáo.
Những chiếc bình gốm được anh Luân sử dụng để làm chậu trồng tre bonsai.
Từ những gốc tre rất đỗi bình thường, qua bàn tay khéo léo của mình, anh Luân đã tạo nên những tác phẩm bonsai nghệ thuật “độc nhất vô nhị” và được nhiều người tìm mua với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, mang về cho anh thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng.
“Chậu tre bonsai đắt nhất tôi từng bán có giá 120 triệu đồng. Riêng chậu tre “Lưỡng Long chầu nhật” dùng để trang trí tại tiệc trà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thì nhiều người hỏi mua rồi nhưng tôi không bao giờ bán vì nó là vô giá”, anh Luân khẳng định.
Chậu tre bonsai "Lưỡng Long chầu nhật" là một trong 21 tác phẩm của anh Luân được lựa chọn trưng bày trong tiệc trà.
Nói về tác phẩm “Lưỡng Long chầu nhật”, anh Luân cho biết mình mất khoảng 1 năm để hoàn thiện với ý tưởng là 2 con rồng trầu mặt trời. Thân tre có điểm co, duỗi, uốn, lượn mềm mại, uyển chuyển và có hồn.
Trong sự kiện tiệc trà này, anh Luân có 21 tác phẩm được lựa chọn để trưng bày với 12 tác phẩm tre ngà, tre gai đặt hai bên phòng trà và 8 tác phẩm trúc đặt tại bàn trà.
Chậu tre Bonsai được đặt tại vị trí trang trọng trong khuôn viên của gia đình sau khi sự kiện kết thúc.
Sau khi nhận cây về từ sự kiện, nhiều người đã tìm đến anh để hỏi mua lại tác phẩm “Lưỡng Long chầu nhật” nhưng anh nhất định không đồng ý bán với bất kỳ giá nào. Chậu cây này được anh trưng bày tại vị trí trang trọng nhất trong khu vườn và coi như “báu vật”. Hàng ngày có rất đông người từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm cùng tác phẩm tre bonsai độc nhất vô nhị này.
Tác phẩm tre bonsai này anh Luân coi như báu vật, không bán bằng bất cứ giá nào.
"Cây tre là biểu tượng cho sự kiên cường, dẻo dai và bất khuất của người Việt đã gắn bó với những câu chuyện lịch sử hay những bài văn, bài thơ đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ. Vì vậy, cây tre, trúc luôn có ý nghĩa đặc biệt. Thời gian tới, tôi sẽ tập trung nhiều hơn nữa cho những tác phẩm tre bonsai, làm nổi bật thêm những giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của cây tre Việt Nam”, anh Luân bày tỏ.