Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau an toàn
Với sức trẻ và sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Hoàng Mạnh Tuấn đã mạnh dạn làm giàu, khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Dám nghĩ dám làm
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi còn nhiều khó khăn xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, năm 2021, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm, Khoa Trồng trọt, chàng sinh viên trẻ Hoàng Mạnh Tuấn đã thử sức qua nhiều công việc khác nhau trong một năm, nhưng Tuấn vẫn chưa tìm thấy được niềm vui, đam mê trong những công việc đang làm.
Sau nhiều lần trăn trở, suy nghĩ, năm 2022, anh Tuấn quyết định trở về quê hương, tận dụng diện tích đất vườn quanh nhà, anh quyết tâm khởi nghiệp trồng rau hữu cơ.
Anh Hoàng Mạnh Tuấn chia sẻ: Với những kiến thức tích lũy trong suốt những năm học trên giảng đường và học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những nhà vườn trong ngoài tỉnh, em đã quyết định xây dựng mô hình rau hữu cơ với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng đầu tư hệ thống nhà lưới với diện tích 1500m2 trồng các loại rau củ như ớt chuông, cà chua socola, cải bó xôi, cải cầu vồng, cải chíp...
Rau được sản xuất theo phương pháp hữu cơ với nguyên tắc “6 không” (không phân bón hóa học; không thuốc bảo vệ thực vật; không kích thích sinh trưởng; không thuốc diệt cỏ; không giống biến đổi gen; không chất bảo quản), an toàn cho sức khỏe người trồng và người tiêu dùng.
Cũng theo anh Tuấn, việc trồng rau trong nhà lưới sẽ ngăn được côn trùng xâm nhập, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhà lưới cũng cản được tốc độ rơi của nước khi trời mưa to, giảm nguy cơ ảnh hưởng với cây trồng. Cùng với đó, hệ thống tưới phun tự động cũng giúp anh Tuấn giảm đáng kể công lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả gieo trồng bởi lượng nước tưới được điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm sinh trưởng của cây.
Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây rau phát triển tốt và đã cho thu hoạch nhiều lứa, Tổng sản lượng năm 2022 ước tính được 4,8 tấn rau củ, thu nhập trung bình 240 triệu đồng/năm.
Hiện nay, vườn rau của anh Hoàng Mạnh Tuấn là một trong những vườn rau sạch cung cấp cho nhiều cửa hàng siêu thị trên địa bàn TP Thái Nguyên.
Góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống
Một ngày của Tuấn bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng chở rau ra thành phố giao cho khách hàng, chiều cắm cúi chăm sóc vườn rau đến khi mặt trời lặn mới trở về nhà. Vất vả là vậy, nhưng Tuấn là một trong nhiều các bạn trẻ tại xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai đã mở lối đi cho mình bằng mô hình trồng rau hữu cơ vì niềm đam mê nông nghiệp sạch.
Tuấn cho biết: Thị trường nông sản sạch rất tiềm năng, trong khi hiện nay thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn tràn lan, người tiêu dùng rất khó nhận biết. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì lại không hề đơn giản, giá thành cao hơn rau trồng theo phương pháp truyền thống nên rất khó cạnh tranh, người tiêu dùng thì chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm nông sản sạch, nên việc xây dựng thương hiệu là vấn đề hết sức quan trọng để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Chính vì vậy, mặc dù phải mất khá nhiều thời gian để tạo ra các sản phẩm an toàn nhưng em đã và đang rất cố gắng để dần dần từng bước xây dựng thương hiệu cũng như tạo niềm tin để khách hàng yên tâm vào các sản phẩm của mình.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, anh Hoàng Mạnh Tuấn cho biết: Em sẽ hướng tới việc xây dựng nhãn mác, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm rau sạch; đồng thời tăng cường công tác quảng bá trên các trang mạng xã hội và các hệ thống cửa hàng trên địa bàn huyện, xa hơn nữa là hướng tới các thị trường, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đồng thời việc mở rộng quy mô sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho một số hộ dân lân cận, giúp họ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nhận xét về mô hình sản xuất rau an toàn của Hoàng Mạnh Tuấn, Trần Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Mặc dù tuổi còn rất trẻ nhưng Hoàng Mạnh Tuấn chính là ngọn lửa truyền cảm hứng nhiệt huyết cho thế hệ thanh niên người DTTS hôm nay trên con đường lập thân, lập nghiệp. Mô hình của Tuấn đây là một trong những mô hình nông nghiệp an toàn, tiêu biểu, xứng đáng được nhân rộng trong thời gian tới, không chỉ trên địa bàn xã Phú Thượng mà còn ở nhiều địa phương khác có thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng.
Để hỗ trợ Tuấn và gia đình có thể duy trì và phát triển mô hình trồng rau an toàn, hiện nay địa phương cũng đã và đang tìm nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ phần nào giúp em thuận lợi hơn trên con đường khởi nghiệp.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-nghiep-tu-mo-hinh-trong-rau-an-toan-post693641.html