Khởi nghiệp từ nuôi ngọc trai

Với ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, anh Phạm Tất Thành, chàng rể xã Gung Ré, huyện Di Linh chọn cho mình hướng khởi nghiệp bằng nghề nuôi cấy ngọc trai nước ngọt. Hiện mô hình khởi nghiệp của anh đã bén rễ tại xã Sơn Ðiền, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Thực hiện khâu cắt tế bào. Ảnh: N.Brừm

Có thể nói, nuôi ngọc trai là mô hình mới lạ ở huyện Di Linh, nên đã gây sự tò mò khiến nhiều người muốn tìm hiểu về mô hình này. Nơi nuôi ngọc trai là thung lũng rộng, sâu, trải dài, nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi ở đầu nguồn xã Sơn Điền. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề tỉnh Ninh Bình, năm 2014, anh Thành lập gia đình với chị Phan Thị Minh Phương ở xã Gung Ré. Do khó khăn kiếm việc làm, nên anh đã bỏ thời gian 3 tháng để quay về Ninh Bình học nghề nuôi cấy ngọc trai.

Anh Phạm Tất Thành chia sẻ: “Nghề nuôi cấy ngọc trai nước ngọt phát triển mạnh cách đây khoảng 3-4 năm, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Ninh Bình và gia đình tôi chuyên làm nhân để cấy lấy ngọc. Tuy tôi mới chuyển về đây sinh sống được hơn một năm, nhưng nhận thấy điều kiện khí hậu ở Lâm Đồng mát mẻ, nguồn nước ổn định, nên có nhiều thuận lợi trong phát triển nghề nuôi ngọc trai và có thể thực hiện cấy, ghép quanh năm. Bên cạnh đó, chất lượng ngọc trai cũng cao hơn, viên ngọc tròn đều và sáng bóng hơn. Đây cũng là một trong những lợi thế mà ở ngoài Bắc không có được, bởi điều kiện khí hậu ở phía Bắc ngày càng nóng, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của ngọc trai, nên trong năm chỉ có 3 tháng là thích hợp nhất để cấy, ghép ngọc trai”.

Với ý chí quyết tâm xây dựng thành công mô hình nuôi trai lấy ngọc ở vùng đất Lâm Đồng, hơn một năm qua, cùng với số tiền của gia đình và nguồn vốn vay của ngân hàng, anh Phạm Tất Thành đã đầu tư kinh phí vào mô hình này khoảng 2 tỷ đồng để thuê đất, thuê máy đào múc 5 ao nuôi với diện tích khoảng 10.000 m2; đồng thời xây dựng 2 ao nuôi dưỡng, phòng cấy ghép có diện tích 12 m2 và trang bị các loại dụng cụ như: bàn, ghế, dao, kéo, đèn…

Nói về quá trình nuôi trai lấy ngọc, anh Phạm Tất Thành cho biết, điều khó khăn lớn nhất là nguồn giống, bởi ở Lâm Đồng không có và hầu hết phải nhập từ ngoài Bắc. Vì vậy, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu hết tập tính sinh trưởng của con trai, nên trong quá trình vận chuyển con giống, do không thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm khiến nhiều con giống bị chết. Bên cạnh đó, các dụng cụ và thuốc nhuộm tế bào dùng để cấy đều phải nhập từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, khâu chọn giống, cấy ghép ngọc và nuôi dưỡng là quan trọng nhất. “Từ khi nhập con giống về phải nuôi dưỡng trong thời gian một tháng rồi mới tiến hành cấy. Để cấy, ghép thành công phải thực hiện tốt các công đoạn như: cắt tế bào, cấy ghép hạt ngọc, nuôi dưỡng, đưa ra treo dưới nước ao. Trong đó, công đoạn cấy, ghép là phức tạp nhất” - anh Thành cho hay.

Đến nay, anh Thành đã cấy được 20.000 con trai, mỗi con cấy 2 nhân. Chỉ sau một năm nữa, hàng ngàn con trai này sẽ “nhả” ra hàng chục ngàn viên ngọc. Hiện nay với giá thị trường 500.000 đồng/viên ngọc, hứa hẹn sẽ mang về nguồn thu cho gia đình anh Thành hàng chục tỷ đồng. Ngoài việc nuôi ngọc trai thành phẩm, hiện anh Thành còn bán con giống đã cấy nhân, tạo ngọc, với giá bán 50.000 đồng/con.

Nuôi trai lấy ngọc cũng khá đơn giản, chi phí khá thấp, bởi thức ăn của nó chủ yếu là các loài phù du, tảo… có sẵn trong tự nhiên, nên thi thoảng cần kiểm tra khả năng sinh trưởng và phát triển, khả năng tạo ngọc và chất lượng độ bóng của ngọc. Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, thịt con trai cũng được dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn trong chăn nuôi, còn vỏ trai dùng làm nguồn phân bón… Việc nuôi trai lấy ngọc còn có tác dụng làm cho môi trường nước được trong lành, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, có thể kết hợp nuôi với các loài cá. Về đầu ra cho sản phẩm ngọc trai, ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

“Đà Lạt là thành phố phát triển mạnh về du lịch, nên ngoài những sản phẩm phục vụ du lịch hiện có, việc có thêm những sản phẩm mới dùng làm quà lưu niệm, đồ trang sức có giá trị cao như sản phẩm ngọc trai là cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, tôi đã đến khảo sát tại khu vực hồ Tuyền Lâm và dự tính thời gian tới xin chuyển về đây để mở rộng cơ sở nuôi ngọc trai vừa liên kết phục vụ du lịch; đồng thời quảng bá sản phẩm ngọc trai đến với du khách”, anh Phạm Tất Thành chia sẻ về dự tính trong thời gian đến.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201907/khoi-nghiep-tu-nuoi-ngoc-trai-2954967/