Khởi nghiệp từ tai nghe 'độc bản'
23 tuổi, chàng trai Lưu Hải đã có 5 năm khởi nghiệp với tai nghe in-ear custom - một dòng tai nghe chuyên biệt được làm riêng phù hợp với từng cá tính, sở thích của các ca sĩ, nghệ sĩ và người dùng âm thanh cao cấp.
Sản phẩm cho thị trường… siêu ngách
Căn phòng thuê rộng chừng hơn 20m2 trên tầng 3 của con phố Vũ Thạnh (Đống Đa, Hà Nội) được chàng trai Lưu Hải (SN 2000) biến thành phòng lab, chuyên nghiên cứu và sản xuất tai nghe in-ear custom. “Cơ ngơi” của Hải được bài trí khá gọn gàng với đủ thiết bị đồ nghề, máy móc, sơ đồ,…
Hải cho biết, tai nghe in-ear custom là một xu hướng chơi mới tại Việt Nam hướng đến những khách hàng chơi tai nghe theo phong cách riêng. Sản phẩm này dành cho thị trường siêu ngách, chủ yếu là các ca sĩ, người làm về lĩnh vực âm thanh. Điều đặc biệt là mỗi sản phẩm tai nghe là “độc bản” được sản xuất theo yêu cầu riêng của từng khách hàng, vừa khít với từng khuôn tai, cách âm rất tốt, không bị rơi khi chạy nhảy, vận động mạnh.
Mức giá của tai nghe này khá cao, cái cơ bản có giá từ 7 đến 35 triệu đồng, cao hơn 60 - 80 triệu cái. Giá khác nhau và tùy chất lượng âm thanh, giá càng cao chất lượng âm thanh càng tốt.
Hải cho biết, mỗi bộ tai nghe custom làm liên tục trong vòng 1 tuần mới xong. Vì thế, dù cố gắng lắm thì trung bình mỗi tháng, Hải chỉ làm 5 bộ tai nghe, khách hàng có đặt thêm cũng không nhận. Bởi để làm được 1 sản phẩm rất kỳ công, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và sáng tạo.
Nhờ sự tận tâm trong công việc mà tai nghe custom của chàng trai trẻ Lưu Hải được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam tin tưởng đặt hàng, như: Diva Hồng Nhung, rapper MCK, Bạch Công Khanh, ca sĩ Hoài Lâm, Mr Siro…
Hải chia sẻ, anh biết đến tai nghe này từ hồi học lớp 9, khi xem các ca sĩ Kpop biểu diễn. “Thấy các nghệ sĩ đeo những chiếc tai nghe độc, lạ tôi tò mò tìm hiểu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực này rất mới mẻ gần như không có tài liệu, tôi phải tìm tài liệu nước ngoài dịch”, anh Hải kể.
Chiếc tai nghe custom đầu tiên Hải tự làm tặng mình. Khi đăng lên trang facebook cá nhân, rất nhiều người vào hỏi, có anh bạn thân đặt nhờ làm. Anh bạn đó, sau khi nhận được sản phẩm thích quá đã chia sẻ lên mạng, từ đó nhiều người đã tìm đến Hải. Từ chỗ làm chỉ để thỏa mãn đam mê nhưng từ khi có nhiều khách hàng tìm đến, đặc biệt là các nghệ sĩ anh đã quyết định khởi nghiệp với lĩnh vực này.
Tai nghe cho người khiếm thính
Tốt nghiệp Khoa cơ tự động hóa, Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, Hải nhận được nhiều lời mời làm việc tại các tập đoàn lớn về công nghệ nhưng chàng trai trẻ quyết định theo đuổi đam mê, khởi nghiệp với tai nghe. Bên cạnh tai nghe custom, Hải đang ấp ủ phát triển tai nghe cho người khiếm thính.
Hải kể, trước đây, anh cộng tác làm cho một đơn vị trợ thính, tình cờ gặp gia đình nông dân đưa con khiếm thính mua máy trợ thính, dù phải bán đi một nửa số ruộng cũng chỉ đủ tiền mua 1 bên tai nghe cho con. Câu chuyện đó khiến chàng trai trẻ rất băn khoăn, trăn trở trước thực tế độc quyền của ngành trợ thính, giá cả quá cao khiến những nhiều người khó có cơ hội tiếp cận.
Anh đã mày mò nghiên cứu và viết thành bản đồ án tốt nghiệp về ý tưởng sản xuất tai nghe truyền dẫn qua xương phục vụ cho người khiếm thính và những người bị giảm thính giác do tác động của môi trường làm việc nhiều tiếng ồn. Đồ án được thầy cô giáo trong Hội đồng đánh giá cao về tính khả thi và giá trị nhân văn và xếp loại xuất sắc A+.
Anh mong muốn nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp, những người có chí hướng để có thể hiện thực hóa ý tưởng đồ án tốt nghiệp để mang lại âm thanh cho những người khiếm thính, mang lại giá trị cho cộng đồng.
PGS, TS. Đinh Văn Mạnh, nguyên Chủ nhiệm khoa Cơ kỹ thuật và Tự động hóa, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội - người hướng dẫn thực hiện đồ án tốt nghiệp của Hải bày tỏ ấn tượng, Hải là một sinh viên thông minh, năng động, luôn chủ động tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo trong từng phần việc của mình. “Tôi và các thầy cô trong Hội đồng đánh giá rất cao tính nhân văn trong đồ án tốt nghiệp của Hải. Nếu có được sự đồng hành, hỗ trợ tiếp sức, tôi tin ý tưởng trong đồ án tốt nghiệp có thể hiện thực hóa thành sản phẩm để hỗ trợ cho người khiếm thính tự tin giao tiếp trong cuộc sống”, PGS, TS. Đinh Văn Mạnh nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khoi-nghiep-tu-tai-nghe-doc-ban-post1585681.tpo