Khởi nghiệp từ trường đại học

Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học (ĐH) giúp các công trình nghiên cứu dễ dàng thương mại hóa, xóa bỏ khoảng cách giữa lý thuyết khoa học và thực tế.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU.

TS Hoàng Văn Hà - giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) hiện đang cùng các đồng nghiệp triển khai Dự án Nanogel - gel tự nhiên kết hợp nano bạc giúp tạo màng bảo vệ vết thương hở thay thế da trước khi vết thương lành. Ý tưởng này đã được ông và các cộng sự nhen nhóm phát triển từ năm 2019, hiện đang tiếp tục được thử nghiệm trên các đối tượng động vật ở Học viện Quân y.

Dự án vừa được ký kết hợp đồng ươm tạo với Vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo ĐH Quốc gia Hà Nội để hoàn thiện công nghệ và có thể trở thành các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đây chỉ là một trong rất nhiều các sản phẩm mà TS Hoàng Văn Hà và các giảng viên trong khoa, trong trường nghiên cứu ra nhưng hầu hết đều tự sản xuất, không có tên tuổi trên thị trường. TS Hà chỉ ra một thực tế là các nhà khoa học tạo ra sản phẩm nhưng giá trị thương mại khi đưa ra thị trường thường không được cao. Đó là những hạn chế rất cần nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị ươm tạo để thương mại hóa đứa con tinh thần là sản phẩm khoa học công nghệ mình tạo ra và thành lập doanh nghiệp để đưa sản phẩm đó vào thị trường.

Là mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp từ trường ĐH, Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ sinh học vi sinh vật (AMBIO) của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa chính thức ra mắt tháng 8/2024. TS Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học cho biết, xu hướng chuyển giao công nghệ và đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất từ đó tạo nên sản phẩm là xu hướng chung của cả xã hội. Đó là mong chờ của không chỉ nhà nước, doanh nghiệp mà của cả nhà khoa học. Hiện có 2 cách tiếp cận là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ này tới thẳng doanh nghiệp và thứ 2 là các nhà khoa học tự thành lập doanh nghiệp để hoạt động. TS Trung cho biết ông và các đồng nghiệp chọn cách tự thành lập doanh nghiệp và mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm sự hợp tác với các doanh nghiệp khác để phát triển các sản phẩm.

TS Trịnh Thành Trung lấy ví dụ hiện nay, men để sản xuất sữa chua các công ty của Việt Nam đang hoàn toàn nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu Việt Nam phát triển được men này từ những vi sinh vật bản địa chính là một hướng đi tiềm năng, không chỉ cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam mà xa hơn nữa là cung cấp các sản phẩm cho quốc tế.

PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Trưởng ban Khoa học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, những năm qua, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách đầu tư cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm trọng điểm và các nhóm nghiên cứu mạnh, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý khoa học công nghệ…

Bên cạnh đó, trường còn ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn về sở hữu trí tuệ, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, thành lập và phát triển doanh nghiệp trong ĐH Quốc gia Hà Nội…

Các chính sách này đã được triển khai đồng bộ góp phần giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học để tạo ra nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ có giá trị cao, nhiều sản phẩm đã và đang được ứng dụng trong thực tiễn.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khoi-nghiep-tu-truong-dai-hoc-10289511.html