Khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính

Cánh đồng Ao Khoai, xã Tế Lợi (Nông Cống) vốn là chân đất lúa. Do cuối nguồn thủy nông nên vùng đất khó tưới này rơi vào tình trạng sản xuất 1 vụ không ăn chắc.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính mang lại doanh thu khoảng 600 triệu đồng/năm.

Trăn trở làm thế nào để khai thác được hiệu quả đồng đất quê nhà, cuối năm 2018, sau thời gian lao động ở nước ngoài, anh Nguyễn Thanh Hảo đã nghiên cứu thị trường và triển khai mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính. Với số vốn đầu tư ban đầu gần 1,4 tỷ đồng, cùng với chính sách hỗ trợ của huyện, anh đã xây dựng được 1.000m2 nhà kính, lắp đặt hệ thống thiết bị trồng rau, ươm giống theo công nghệ hiện đại. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên của huyện Nông Cống và được chính quyền các cấp quan tâm động viên, hỗ trợ. Đầu năm 2019, những lứa sản phẩm đầu tiên đã được xuất bán ra thị trường.

Anh Hảo cho biết: Sản xuất rau thủy canh trong nhà kính có khá nhiều ưu điểm. Vì được che chắn, không phải tiếp xúc với đất, lại được trồng trên máng cao nên mô hình này hạn chế được sự lây lan của sâu bệnh, do đó không phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu và chất bảo quản thực vật. Bên cạnh đó, toàn bộ chất dinh dưỡng được hòa tan trong nước nên có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, đồng thời, có thể can thiệp, loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước. Trong điều kiện nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao gấp 2 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Anh Hảo cũng cho biết thêm, hiện nay, có rất nhiều mô hình khởi nghiệp được các bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, theo quan điểm của anh, mỗi người cần tìm hiểu sản phẩm khởi nghiệp phù hợp với khả năng và nhất là nhu cầu của thị trường. Với sản phẩm rau thủy canh, anh nhận thấy khả năng tiêu thụ của thị trường trong thời gian tới rất cao do yêu cầu về sản phẩm sạch, chất lượng của người dân đô thị và các chuỗi nhà hàng.

Để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, anh Nguyễn Thanh Hảo không ngừng tìm tòi, học hỏi, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất và ươm giống rau thủy canh, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn. Hiện nay, anh đã chủ động được các khâu từ sản xuất giá thể ươm hạt, đến điều chế nước tưới. Bí quyết của anh, yếu tố quan trọng trong trồng rau thủy canh là nguồn nước và công thức pha chế hỗn hợp dinh dưỡng. Nguồn nước để sử dụng là nước máy sạch, sau đó được hòa dinh dưỡng theo công thức phù hợp rồi tự động dẫn tới các máng trồng. Sau đó, lượng nước được thu hồi, đưa trở lại bơm tổng để lọc và quay lại chu trình tưới. Toàn bộ quy trình sản xuất, thông số dinh dưỡng được các nhân viên kỹ thuật kiểm tra thường xuyên bằng các dụng cụ chuyên dùng, thực hiện điều chỉnh để bảo đảm điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây trồng.

Với thời gian trồng các loại rau cải từ 32-35 ngày, riêng rau xà lách 45 ngày, mỗi lứa, anh Hảo thu hoạch từ 2,5 tấn đến 3 tấn rau. Ước tính mỗi năm, doanh thu từ mô hình khoảng 600 triệu đồng. Nguồn rau này được anh cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng tại huyện Nông Cống và TP Thanh Hóa.

Với khả năng mở rộng thị trường, mới đây, anh Hảo đã huy động vốn đầu tư thêm 2 nhà kính với diện tích 1.500m2, nâng tổng số diện tích nhà kính trồng rau thủy canh lên 2.500m2. Không chỉ mở rộng diện tích, anh Hảo cho biết tiến tới sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ ra TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Bài và ảnh: Bách Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/khoi-nghiep-voi-mo-hinh-trong-rau-thuy-canh-trong-nha-kinh/129708.htm