Khởi nghiệp xanh sáng tạo, bền vững

Dự án Cusami vừa đoạt giải nhất vòng chung kết Cuộc thi dự án, ý tưởng khởi nghiệp xanh, phát triển bền vững do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, diễn ra vào tối 10-11 tại TP Hồ Chí Minh đã gây bất ngờ với nhiều người.

Điều bất ngờ ấy là vượt lên hàng trăm dự án khởi nghiệp theo xu hướng xanh thì sản phẩm của dự án Cusami chính là củ khoai mì (còn được gọi là củ sắn) quen thuộc, đặc sản vùng ngoại thành Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Củ khoai mì lâu nay thường được sử dụng để luộc, làm bánh tằm, đồ ăn thông thường đã trở thành nguyên liệu phổ biến ở nhiều quốc gia, nhất là ở châu Âu, sử dụng trong chế biến các loại bánh, thức ăn như: Bánh mì phô mai mozzarrella, lava trứng muối tan chảy, mứt dứa...; được khách hàng ăn kiêng để giảm cân, người kiêng gluten từ lúa mì ưa chuộng. Thị trường này được đánh giá có quy mô 109 tỷ USD. Đơn vị thực hiện dự án là Công ty TNHH Yam Kitchen đang xây dựng vùng nguyên liệu khoai mì theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để chế biến, xuất khẩu; đưa vào danh mục sản phẩm đặc trưng OCOP của TP Hồ Chí Minh.

 Các nhóm dự án nhận giải cao của cuộc thi dự án, ý tưởng khởi nghiệp xanh, phát triển bền vững. Ảnh: TTXVN

Các nhóm dự án nhận giải cao của cuộc thi dự án, ý tưởng khởi nghiệp xanh, phát triển bền vững. Ảnh: TTXVN

Dự án Cusami giành giải cao nhất nhờ xác định được lối đi mới sáng tạo, quy trình sản xuất gắn với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng bộ các giải pháp và xác định rõ tiềm năng thị trường, tạo giá trị gấp nhiều lần so với giá bán khoai mì thông thường. Câu chuyện của Cusami cho bài học về khởi nghiệp xanh sáng tạo, bền vững, nâng giá trị, nâng tầm sản phẩm, thương hiệu Việt.

Ở các địa phương của nước ta có nhiều loại sản phẩm nông, lâm nghiệp có đặc trưng cao, thị trường quốc tế rộng lớn. Nhưng điểm yếu, cũng là thách thức nhiều năm nay là sản xuất, kinh doanh manh mún, không gắn với các tiêu chuẩn xanh, chưa tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu, chưa định lượng được thị trường.

Sản xuất xanh, kinh tế xanh gắn với thị trường xanh hiện nay đang trở thành xu hướng toàn cầu, mở ra cơ hội cũng như thách thức, cạnh tranh đối với những dự án khởi nghiệp xanh. Nhiều địa phương đã khuyến khích triển khai các dự án khởi nghiệp xanh gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm đặc trưng OCOP.

Nhưng thách thức ở chỗ là các dự án này thường có thị trường hẹp, thiếu nguồn lực để quảng bá, tham gia các chuỗi cung ứng lớn dẫn đến khó tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế; giá trị mang lại thấp. Không ít dự án khởi nghiệp xanh được triển khai quy mô, nhưng lại thiếu tính đồng bộ của các yếu tố trên dẫn đến khó phát triển, thất bại.

Các cuộc hội thảo về kinh tế xanh, trưng bày sản phẩm OCOP vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh trong tuần đầu tháng 11-2024, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài đã nêu bật tính cạnh tranh của các dự án khởi nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm xanh mà còn phải gắn với sự đồng bộ về chất lượng, bảo quản, truy xuất dữ liệu sản phẩm, tín chỉ carbon, bảo quản, logistics chuẩn quốc tế, chuỗi cung ứng, thị trường đích đến.

Ở nước ta, với tiềm năng nông nghiệp lớn, sản phẩm nông nghiệp phong phú, nếu cứ loay hoay dừng lại ở chế biến, xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế, thiếu tính liên kết sẽ giảm sức cạnh tranh, giá trị thấp. Để nâng giá trị hàng Việt, nhất là sản phẩm đặc sản, nông nghiệp truyền thống đòi hỏi khởi nghiệp xanh có lối đi riêng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ và nắm bắt được nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Như thế, mới bảo đảm tính bền vững, lớn mạnh, tạo nên những sản phẩm xương sống, tiêu biểu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

ĐẶNG BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khoi-nghiep-xanh-sang-tao-ben-vung-802628