Khởi nghiệp 'xanh' - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: 'Ghi điểm' trên 'sân nhà'
Khởi nghiệp 'xanh' tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.
Mang văn hóa địa phương vào khởi nghiệp
Việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để các bạn trẻ chứng minh năng lực và sự sáng tạo của mình. Trong đó, ngành du lịch với mô hình homestay đang trở thành một xu hướng nổi bật, đặc biệt là các mô hình homestay đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Bà Ngoại Homestay, tại ấp Tân Thành, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, là một ví dụ điển hình về việc phát triển sản phẩm du lịch quảng bá hình ảnh văn hóa, ẩm thực, con người Cà Mau đến du khách trong và ngoài nước từ góc nhìn người dân địa phương thông qua tour trải nghiệm “Một ngày làm người Cà Mau”.
Ấp ủ tình yêu với du lịch mang đậm bản sắc địa phương trong quá trình khởi nghiệp, chàng trai 9X Trần Văn Bì đã biến giấc mơ của mình thành hiện thực khi chính anh đã kết nối để đưa du khách nước ngoài đến và trải nghiệm “làm người dân Cà Mau”.
Anh Bì tâm tình: “Nếu mình phát triển khởi nghiệp của bản thân theo hướng du lịch như thời gian qua thì nó chỉ đi đến một chiều, khó níu chân du khách. Do vậy, khi chọn triển khai du lịch trải nghiệm, thật sự bản thân tôi đã trải qua nhiều thử thách. Ðặc biệt, khi thiết kế tour du lịch dành cho người nước ngoài thì càng gặp nhiều trở ngại. Vấn đề giao tiếp, ngôn ngữ, rồi mình phải thiết kế ra sao để khách nước ngoài hiểu về văn hóa, ẩm thực, con người, đặc sản của vùng đất cực Nam Tổ quốc Việt Nam”.
Vượt qua những rào cản bước đầu khi khởi nghiệp từ du lịch trải nghiệm, anh Bì đã mang nếp sống, phong tục, văn hóa, tính cách của người Cà Mau sông nước hào sảng, thân thiện vào mô hình du lịch của mình. Trải nghiệm đi đám cưới, đi đám cúng cơm hay đi mò sò, bắt cua, xổ vuông tôm, nhổ bồn bồn, lấy mật ong... tất cả được anh Bì thiết kế một cách chân thực, dân dã nhất để du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân Cà Mau trọn vẹn.
“Mình yêu Cà Mau, yêu cuộc sống dân dã nơi vùng sông nước quê mình, do vậy, khi mình làm du lịch, mình cũng muốn du khách được trải nghiệm đúng như thế. Khởi nghiệp xanh đối với mình là phải tạo ra những giá trị mang đậm bản sắc của Cà Mau, thân thiện với du khách gần xa. Chính điều này đã thôi thúc tôi làm du lịch không quá cầu kỳ, khuôn mẫu, mà làm sao để du khách khi đến đây sẽ cảm nhận được nếp sinh hoạt, cuộc sống thường nhật tại vùng đất trù phú tài nguyên với người dân chất phác và thân thiện”, anh Bì trải lòng.
Với cách nghĩ, cách làm hay từ mô hình khởi nghiệp, anh Bì đã thực sự mang đến một luồng gió mới về du lịch trải nghiệm. Vượt qua những thách thức trong quá trình khởi nghiệp của mình, chính anh Bì đã viết nên một câu chuyện thú vị về hành trình khẳng định bản thân thông qua khởi nghiệp từ chính việc mang văn hóa bản địa Cà Mau đến gần du khách trong và ngoài nước.
Kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm
Ðể có thể tạo ra những “bàn thắng” tại "sân nhà", nhiều bạn trẻ khi chọn khởi nghiệp “xanh” đã mạnh dạn, tự tin, dám đối mặt với thách thức để khẳng định bản thân mình. Với “Siro Húng Chanh Tâm Nhi - Ho không còn là nỗi lo”, Fouder (người sáng lập) Phạm Ngọc Huyền ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, đã thật sự mang câu chuyện khởi nghiệp của chính bản thân làm nên thành tích.
Chị Ngọc Huyền quan niệm: “Khái niệm khởi nghiệp xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà đã trở thành một phong trào mạnh mẽ, khuyến khích những người làm kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững. Tôi tin rằng, trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu ta đặt tâm huyết vào những gì tự nhiên và chân thật nhất, ta sẽ tạo ra giá trị lâu dài. Không nản chí mà hãy tự khẳng định chính mình bằng những lúc vấp ngã và đứng lên từ khó khăn gặp phải. Hãy làm việc bằng cái tâm, bằng sự chân thành và kiên định. Và yếu tố quan trọng là phải tạo ra những giá trị sản phẩm thực sự khác biệt, tạo điểm nhấn độc đáo trong quá trình khởi nghiệp vì mình không có quá nhiều vốn, thị trường sẵn có”.

Vượt qua nhiều thách thức trong quá trình khởi nghiệp, chị Ngọc Huyền đã biến giấc mơ khởi nghiệp "xanh" thành hiện thực.
Siro Húng Chanh Tâm Nhi - một sản phẩm được làm từ 100% nguyên liệu thiên nhiên - chính là minh chứng rõ ràng cho tâm huyết, mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với mọi nhà. Thế nhưng, hành trình khởi nghiệp của chị Phạm Ngọc Huyền cũng gặp phải nhiều thử thách khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh.
Nhiều lần thất bại trong cách pha chế, chiết xuất, định lượng siro... làm cho mùi vị sản phẩm chưa như mong đợi. Thế nhưng, với mong muốn tạo nguồn sản phẩm sạch trị ho cho các bé, chị Phạm Ngọc Huyền đã đem hết quyết tâm từ chính bản thân, cộng với sự động viên, khích lệ từ gia đình, tiếp tục cải tiến sản phẩm, cuối cùng cô dược sĩ đã gặt hái thành công. Chất lượng sản phẩm đã đạt yêu cầu, nhưng lúc này chị lại đối diện với những thách thức khác là tìm thị trường, marketing, sức ép từ giá thành, vốn, đối tác, nhân sự...
“Hành trình khởi nghiệp của mình cũng trải qua nhiều thách thức đôi lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi, nhờ mình chia sẻ cuộc sống chăm em bé của mình trên Facebook cá nhân, nhiều mẹ bỉm sữa tiếp cận được sản phẩm và tin tưởng. Từ kinh nghiệm ít ỏi của bản thân, mình hy vọng các bạn trẻ khi khởi nghiệp, điều tiên quyết là phải tự tin vào bản thân, khai thác hết những thế mạnh, đam mê của mình. Thành công không chỉ nằm ở lợi nhuận mà còn nằm ở niềm tin của khách hàng và những giá trị tốt đẹp mà sản phẩm mang lại cho cộng đồng”, chị Ngọc Huyền chia sẻ.
Khởi nghiệp chính là một quá trình thử thách bản thân người thực hiện về kiến thức, kinh nghiệm và sự kiên trì, quyết tâm thực hiện đam mê. Chặng đường khởi nghiệp “xanh” của anh Bì, chị Huyền là những minh chứng câu chuyện khởi nghiệp phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, thành quả mà họ nhận được sẽ là niềm tin, là động lực để họ thêm yêu và gắn bó với mảnh đất quê hương./.