Khối ngoại bán ròng lên đến đỉnh cũng là 'chuyện bình thường'

Theo thống kê của FiinTrade, đỉnh điểm khối ngoại bán ròng là vào tháng 3/2021 khi họ bán ròng tới 10.800 tỷ đồng, tập trung vào VNM, CTG, POW... Tuy nhiên, trong mắt giới chuyên môn, việc khối ngoại bán ròng lên đến đỉnh cũng là chuyện bình thường...

Bài liên quan

Thất vọng vì HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng “cổ phiếu trụ”

Khối ngoại trao tay lượng lớn cổ phiếu ACB, VN-Index bật tăng mạnh

Tháng 3/2021 là đỉnh của khối ngoại bán ròng

Dữ liệu của FiinTrade (thuộc FiinGroup) cho thấy, 3 tháng mà các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng mạnh nhất gồm, tháng 5/2018, bán ròng 6.600 tỷ đồng, tập trung vào VIC, VHM, VRE. Đến tháng 3/2020, bán ròng 7.400 tỷ đồng, tập trung vào MSN, HPG, VHM. Và đỉnh điểm là vào tháng 3/2021 khối ngoại bán ròng 10.800 tỷ đồng, tập trung vào VNM, CTG, POW...

Trong khi đó, đỡ lực bán của khối ngoại là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo đó, từ đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng khớp lệnh 19.800 tỷ đồng, dòng tiền mua mạnh kể từ sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu (16.300 tỷ đồng).

Theo FiinTrade, khoảng 60% lượng tiền mua ròng của nhà đầu tư cá nhân là để đối ứng lượng bán ra top 5 cổ phiếu bị nước ngoài bán (gồm HPG, VNM, CTG, POW, VCB). Trong top 5 này, nhóm tự doanh không tham gia đáng kể (chỉ mua ròng hơn 81 tỷ đồng), tổ chức trong nước thậm chí còn bán theo khối ngoại (bán ròng 400 tỷ đồng).

Bên cạnh việc nhà đầu tư cá nhân trong nước đỡ lực bán thì thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kỳ vọng vào thông tin tích cực đó là việc "Fubon Vietnam ETF Fund" đã được chấp thuận huy động vốn, trở thành quỹ ETF đầu tiên của Đài Loan (Trung Quốc) tập trung vào cổ phiếu trên HOSE.

Theo dự kiến Fubon Vietnam ETF Fund sẽ huy động hơn 200 triệu USD trong đợt IPO, mục tiêu tăng quy mô lên 357 triệu USD trong vòng 6 tháng. Cùng với đó, đại diện quỹ này rất kỳ vọng vào tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam khi cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả...

Do đó, nếu so sánh các yếu tố cơ bản và vị thế giá cổ phiếu tại các nước Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Việt Nam là tương đối rẻ, được nhiều tổ chức ngân hàng đầu tư quốc tế lớn khuyến nghị mua vào, FiinTrade thông tin.

Quỹ ngoại bán ròng để rút tiền là “chuyện bình thường”

Đánh giá về tình trạng khối ngoại bán ròng trong thời gian gần đây, theo TS Võ Đình Trí, đầu tư trên thị trường chứng khoán chỉ là một phần của bức tranh đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) hay còn gọi là đầu tư nước ngoài theo danh mục. Chính vì vậy, muốn xem xét đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường thì cũng cần phải xem xét đến sự luân chuyển dòng vốn của các quỹ đầu tư.

Khi các quỹ đầu tư ngoại thay đổi danh mục hay hướng luân chuyển thì tín hiệu gửi đến thị trường khá quan trọng. Do đó khi đánh giá mục tiêu cũng như mức độ bán ròng của vốn ngoại, nên xem xét 2 yếu tố cơ bản đó là quỹ nào đang bán ròng và mục tiêu của hoạt động bán ra?

Hiện tại nếu so với các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Singapore được coi như một trạm trung chuyển tài chính lớn thì Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam không chỉ trực tiếp vào thị trường chứng khoán mà còn vào các danh mục khác.

Vì thế trong một thời điểm ngắn hạn nào đó, việc tái cân bằng danh mục đầu tư của các quỹ ngoại là chuyện bình thường, hay thậm chí tạm thời rút ra khỏi thị trường dưới dạng tiền nóng. Điều quan trọng là trong bức tranh tổng thể, dòng vốn của các loại quỹ chảy vào vẫn là màu xanh chứ không đỏ, ông Trí nhấn mạnh.

Khánh Linh (Lược ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoi-ngoai-ban-rong-len-den-dinh-cung-la-chuyen-binh-thuong-post124899.html