Khối ngoại liên tục bán ròng gây 'sức ép' cho nhà đầu tư

Từ đầu tháng 12 đến nay, khối ngoại liên tục bán ròng trên sàn HOSE đã gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thanh khoản thị trường thấp. Điều này đã dẫn đến thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần không mấy tích cực, giảm hơn 10 điểm.

Hơn 21.000 tỷ đồng bị bán ròng trong năm 2023

Trong phiên giao dịch ngày 18/12, VN-Index đã mất mốc hỗ trợ tâm lý ở 1.100 điểm. Theo đó, đóng cửa phiên giao dịch cuối ngày, VN-Index giảm 10,42 điểm (0,95%) còn 1.091,88 điểm với 415 mã giảm, 112 mã tăng và 68 mã đứng giá. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 1,29 điểm (0,57%) còn 225,73 điểm với 99 mã giảm, 65 mã tăng và 55 mã đứng giá.

Thị trường ngày 18/12 giảm hơn 10 điểm do áp lực bán ròng của nhà đầu tư. Ảnh chụp màn hình

Thị trường ngày 18/12 giảm hơn 10 điểm do áp lực bán ròng của nhà đầu tư. Ảnh chụp màn hình

Đáng chú ý, dù tổng số cổ phiếu khớp lệnh trong phiên chiều 18/12 của VN-Index chỉ đạt hơn 544 triệu cổ phiếu, nhưng giá trị thanh khoản tương đương đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng. Tương tự tại HNX-Index, tổng khối lượng cổ phiếu khớp lệnh hơn 62 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 1 ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy, thanh khoản thị trường đang giảm mạnh, với tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường trong ngày 18/12 chỉ gần 16.400 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch trên sàn HOSE chiếm 14.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã bán gần 773 tỷ đồng trên sàn HOSE. Ngoài cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là VNM với 92,3 tỷ đồng thì khối ngoại tập trung bán nhiều cổ phiếu ngân hàng như STB (66,3 tỷ đồng), VPB (gần 55 tỷ đồng), CTG (hơn 50 tỷ đồng), EIB (hơn 46,5 tỷ đồng)…

Như vậy, sau 2 tuần, khối ngoại đã bán ròng hơn 6.200 tỷ đồng trên sàn HOSE (tương đương gần 30% tổng quy mô rút từ đầu năm 2023). Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE lên khoảng 21.000 tỷ đồng, vượt giá trị bán ròng của cả năm 2020, ở mức 15.741 tỷ đồng.

Các chuyên gia lo ngại, khối ngoại bán ròng mạnh có thể đến từ nguyên nhân nhà đầu tư Thái Lan. Trong báo cáo nhận định thị trường mới đây của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đưa ra bình luận, trước sắc thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài được áp dụng vào đầu năm 2024 của Thái Lan đã kích hoạt dòng vốn rút ròng từ nhà đầu tư Thái Lan ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bởi theo quy định mới, Thái Lan sẽ hướng đến ba nhóm đối tượng gồm: cư dân giao dịch trên thị trường chứng khoán nước ngoài thông qua các công ty môi giới nước ngoài, nhà giao dịch tiền điện tử và những người lợi dụng lỗ hổng pháp lý cho phép chuyển thu nhập từ nước ngoài về nước miễn thuế.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình

Quan điểm này cũng được ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đồng tình. Cụ thể, khối ngoại bán ròng trên cả hai kênh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ETF nội niêm yết trên sàn HOSE từ các nhà đầu tư Thái Lan khá lớn. Nhất là trong năm nay, thị trường chứng khoán Thái Lan giảm sâu với gần 20%, trong khi chứng khoán Việt Nam tăng khoảng 10%. Vì vậy, nhà đầu tư Thái Lan đã tranh thủ bán ròng trước khi bắt đầu năm mới, mua lại chứng khoán trong nước nhằm kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại.

Kỳ vọng thị trường tích cực hơn trong năm tới

Với động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia chứng khoán - tài chính kỳ vọng trong ngắn hạn, sau khi các quỹ ngoại cơ cấu danh mục xong, thị trường sẽ tích cực hơn. Bởi thời gian qua, thị trường chứng khoán lớn trên thế giới giao dịch bùng nổ với kỳ vọng lãi suất giảm và kinh tế toàn cầu phục hồi.

Ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Mirae Asset, phân tích VN-Index cho biết, khoảng 2 tháng gần đây, các thị trường chứng khoán như Mỹ, Đức, Nhật... vẫn giữ được xu hướng tăng nhưng không mạnh. Tại một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan... cũng đang gặp các trường hợp nhà đầu tư nội thận trọng, còn khối ngoại cũng đang bán ròng.

“Diễn biến này tương đồng với thị trường chứng khoán Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển một phần vốn ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để giải ngân ở các thị trường phát triển. Đặc biệt là Mỹ, khi giới đầu tư đặt niềm tin vào sự tích cực của nền kinh tế Mỹ, sau số liệu GDP quý III khá khả quan. Ngoài ra, Fed có thể giảm lãi suất ngay trong quý I/2024 khiến dòng tiền tin tưởng đầu tư tại Mỹ", ông Đinh Minh Trí phân tích.

Cùng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng năm 2024 sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, khi Fed cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế, trong đó các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam hưởng lợi. Việc Fed ôn hòa về chính sách tiền tệ hơn cũng giúp tỉ giá USD/VNĐ bớt áp lực, từ đó tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng gặp tương tự như thị trường Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Thị trường chứng khoán châu Á cũng gặp tương tự như thị trường Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, theo ông Đinh Quang Hinh, đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới còn được củng cố nhờ xu hướng phục hồi của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, sự cải thiện của tiêu dùng nội địa nhờ chính sách tài khóa mở rộng và cải cách tiền lương. Sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể nhen nhóm từ nửa cuối năm 2024…

Một yếu tố quan trọng nữa chính là những động thái mạnh tay của Chính phủ và cơ quan quản lý gần đây cho thấy các cấp lãnh đạo đang rất quan tâm đến sự phát triển của thị trường này. Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường; tiến tới việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán, góp phần nâng cao tính an toàn, minh bạch của thị trường…

Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng, công điện của Chính phủ là bước tiếp theo đốc thúc các giải pháp phát triển lành mạnh thị trường. Đây là thông tin tích cực, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ nhìn vào chính sách của Việt Nam để quyết định đầu tư trong trung dài hạn. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thêm giải pháp về nâng chất lượng sản phẩm - hàng hóa, nhất là những doanh nghiệp trong các lĩnh vực mới như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ, trí tuệ nhân tạo.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/khoi-ngoai-lien-tuc-ban-rong-gay-suc-ep-cho-nha-dau-tu-20231218181401286.htm