Khối ngoại mạnh tay mua chứng khoán: Nhà đầu tư nội có 'lên tàu' theo?

Bất chấp những pha 'quay xe' chóng mặt của thị trường chứng khoán, khối ngoại vẫn mạnh tay mua vào.

Đây là điểm sáng lớn của thị trường thời gian qua. Nên “lên tàu” theo chân khối ngoại hay giữ tâm lý thận trọng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào kỷ lục

Tháng 11 và tuần đầu tháng 12/2022, chứng khoán liên tục có những phiên biến động, “quay xe” chóng mặt chỉ trong vài giờ đồng hồ. Đơn cử, phiên 6/12, VN-Index kết phiên giảm gần 45 điểm, còn 1.048.69 điểm, trong khi, đầu tháng 12 (phiên 2/12), chỉ số này tăng gần 43 điểm với tổng cộng gần 20.400 tỷ đồng rót vào 3 sàn.

Trước đó, nửa đầu tháng 11, chứng khoán chịu áp lực với hoạt động bán giải chấp ở một số cổ phiếu bất động sản được đẩy mạnh, kèm theo đó là động thái giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ nhằm kiểm soát rủi ro từ các công ty chứng khoán.

Khách hàng giao dịch tại sàn chứng khoán PSI, ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Khách hàng giao dịch tại sàn chứng khoán PSI, ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Mức giá đóng cửa thấp nhất chỉ số VN- Index chạm đến là 911,9 điểm vào ngày 15/11, chỉ số có lúc xuyên thủng mốc 900 điểm về mức 873,78 điểm vào ngày 16/11. Từ vùng điểm số thấp thiết lập trong các phiên giữa tháng, lực cầu được kích hoạt giúp thị trường cân bằng và phục hồi mạnh trong khoảng thời gian còn lại.

Chuyển biến tích cực hơn của thị trường trong giai đoạn nửa cuối tháng phần lớn nhờ lực cầu từ dòng tiền mạnh lên của khối ngoại. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có những động thái bước đầu ổn định được tâm lý của thị trường. Nhờ đó, chỉ số VN- Index đã phục hồi ngoạn mục với đóng cửa phiên cuối tháng tại 1.048,42 điểm, tăng 20,48 điểm (+1,99%).

Trong bức tranh thị trường nhiều biến động thời gian qua, điểm sáng nhất là giao dịch khối ngoại. Tính đến đầu tuần này (5/12), khối ngoại có phiên mua ròng thứ 11 liên tiếp trên sàn HOSE với tổng giá trị 1.378,41 tỷ đồng.

Trong tháng 11, khối ngoại mua ròng 15.900 tỷ đồng, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018 (+22,8 nghìn tỷ đồng). Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đạt 14% trong tháng 11, cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng đầu năm 2022. Thu hút dòng tiền mạnh từ khối ngoại là các mã vốn hóa trụ cột đầu ngành, chủ yếu ở nhóm Bất động sản (VHM +1,7 nghìn tỷ, KDH +1,2 nghìn tỷ, VIC +842 tỷ), Tài chính (STB +13, nghìn tỷ, SSI +1 nghìn tỷ, CTG +745 tỷ), Tiêu dùng (MSN +1 nghìn tỷ, VNM +648 tỷ). HPG cũng là mã được đảo chiều mua ròng mạnh +1 nghìn tỷ đồng sau tháng 10 bán ròng -1,7 nghìn tỷ đồng.

Thị trường đi vào vùng giá nhạy cảm, dễ phản ứng với các rủi ro

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) thêm 1,5 - 2%, lên 15,5 - 16% cho toàn hệ thống. Với chứng khoán, đây là thông tin tích cực trong ngắn hạn vì thị trường đã có những điều chỉnh tăng mạnh thời gian qua nên mức độ ảnh hưởng của nới room sẽ không quá lớn.

Mặt khác, tín dụng vẫn sẽ tập trung ở các lĩnh vực ưu tiên. Mức lãi suất huy động hiện neo cao nên lãi suất cho vay chắc chắn cũng khó mềm mại. Vì vậy, được vay là một chuyện nhưng có chấp nhận được mức lãi suất cho vay lại là bài toán mà DN đang đau đầu tính toán.

"TTCK có tính thanh khoản cao, đặc biệt chứng khoán Việt Nam được coi là một trong những thị trường mới nổi ở châu Á. Nhà đầu tư nên đặt niềm tin lại vào thị trường và nên tìm hiểu để dần dần nâng chúng ta lên thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp, bởi vì chúng ta biết trước đây đa số nhà đầu tư đều đầu tư theo tâm lý, ít quan tâm đến các chỉ số vĩ mô, chỉ số DN." - Chủ tịch SBLaw - luật sư Nguyễn Thanh Hà

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ và có thể cả cổ phiếu bất động sản… những ngành tác động trực tiếp và gián tiếp từ quyết định này được cho là sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, một số ngành trong nhóm này như bất động sản vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi nút thắt về thanh khoản vẫn chưa được tháo gỡ. DN bất động sản vẫn đang chật vật bán tài sản để giải quyết vấn đề trái phiếu. Còn nhóm ngân hàng, nợ xấu vẫn là rủi ro hiện hữu.

Dù có nhiều diễn biến hỗ trợ, tuy nhiên, báo cáo tháng 12/2022 của SSI Research nhận định, TTCK đang đi vào vùng giá nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các yếu tố rủi ro, mặc dù đà hồi phục được kỳ vọng tiếp diễn nhờ động lực từ khối ngoại.

Trên góc nhìn kỹ thuật, về diễn biến thị trường tháng 12, SSI Research đánh giá khu vực 1,100 điểm sẽ đóng vai trò xác nhận diễn biến tiếp theo của VN-Index. Nếu chinh phục thành công vùng cản 1,100 điểm, đà hồi phục trên VN-Index được kỳ vọng mở rộng lên vùng 1,125 - 1,135 điểm. Trường hợp lực cung gia tăng mạnh từ vùng cản này, VN-Index có thể điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ đầu tiên là 1,050 - 1,070 điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nới room là giải pháp linh hoạt hỗ trợ cho nền kinh tế, đảm bảo tính thanh khoản của nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, ông Minh nhận định, trong ngắn và trung hạn, thị trường đang tăng, nhưng dài hạn vẫn có rủi ro khi áp lực vẫn còn hiện hữu.

Còn nhiều yếu tố khó lường trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed. Đặc biệt, thị trường có thể vẫn chưa phản ánh hết rủi ro trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, nhà đầu tư cần chờ hành động của Fed trong những cuộc họp đầu năm thì mới có thể xác định rủi ro trong dài hạn đã thực sự hết hay chưa.

Về khuyến nghị đầu tư, ông Lưu Chí Kháng - Trưởng phòng tự doanh Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đánh giá, nhiều cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, bán lẻ hay ngân hàng đều đã có mức tăng ấn tượng 2 con số từ đáy. Ông Kháng lạc quan rằng dư địa và xung lực của đà tăng có thể tiếp tục kéo dài, thậm chí đưa VN-Index lên những ngưỡng kháng cự cao hơn.

Đối với những nhà đầu tư đang có sẵn lượng tiền mặt trong tài khoản, tâm lý bất an không ai có thể tránh khỏi. Khi mua vào giai đoạn này, nhiều người lo sợ sẽ rơi vào trạng thái mua đuổi hoặc thị trường sẽ điều chỉnh giảm. Song, một bộ phận khác lại lo rằng nếu không mua vào thị trường tăng mạnh và cảm giác mất đi cơ hội kiếm lời xuất hiện…

Đặc biệt, khi xung lực tăng điểm tích cực của thị trường tuần trước tiếp diễn, rất nhiều người lo lắng nếu không mua cổ phiếu ngay thị trường sẽ bật tăng mạnh hơn. Để có thể chiến thắng áp lực tâm lý, ông Lưu Chí Kháng cho rằng, nhà đầu tư cần có một phương pháp đầu tư rõ ràng và có tầm nhìn dài hạn hơn, có thể nên chia nhỏ phần tiền mình đang có.

"Quan điểm cá nhân của tôi và dựa trên kinh nghiệm đầu tư, tư vấn tại Việt Nam, tôi cho rằng có ba ngành nhà đầu tư cân nhắc đầu tư. Thứ nhất là ngành tiêu dùng, bởi dựa vào thu nhập của người dân, thu nhập ngày càng nâng cao, dân số trẻ hóa nên ngành này có tiềm năng lớn.

Thứ hai là ngân hàng, phù hợp để đầu tư trung và dài hạn bởi vì giá trị sổ sách đang lớn hơn nhiều giá trị vốn hóa, trong khi các ngân hàng đang hiệu quả trong việc tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Thứ ba là cổ phiếu nhóm có giá trị vốn hóa thấp thuộc nhóm DN đang kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, giáo dục. Tôi khuyến nghị nhà đầu tư cần đảm bảo nguồn vốn cần thiết và thận trọng trong đầu tư thời điểm này." - Lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam Mohammad Mudasser

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khoi-ngoai-manh-tay-mua-chung-khoan-nha-dau-tu-noi-co-len-tau-theo.html