Khối ngoại mua ròng gần 1.800 tỷ đồng, gom mạnh một mã 'lạ'

Trong khi nhà đầu tư trong nước rút tiền mạnh khỏi thị trường thì khối ngoại không ngại đổ thêm hàng nghìn tỷ đồng gom vào cổ phiếu. Trong đó, một mã cổ phiếu điện bất ngờ được khối này mua ròng tới hơn 700 tỷ đồng.

Các nhóm ngành đỏ lửa khi VN-Index điều chỉnh. Vietstock

Các nhóm ngành đỏ lửa khi VN-Index điều chỉnh. Vietstock

VN-Index kết phiên ở mốc 1.023,13 điểm, tương ứng giảm hơn 15 điểm so với kết phiên hôm qua. So với diễn biến trong phiên thì đây là kết quả khá khả quan bởi có thời điểm, chỉ số đã giảm tới hơn 30 điểm. HNX-Index mở cửa trong sắc xanh nhưng cũng nhanh chóng đảo chiều, đóng cửa với mức giảm gần 5 điểm. Còn UPCoM giảm 1,09 điểm.

Thanh khoản tăng mạnh hơn so với các phiên gần đây, tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 18.500 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 3.000 tỷ đồng, là động lực để VN-Index kéo lại số điểm đã mất khi họ mua ròng tới gần 1.800 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây là mức mua ròng gần bằng cả tuần trước của khối này.

Đáng chú ý là đứng đầu danh sách mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay là mã khá “lạ” – VPD của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam. Cụ thể, có hơn 26,6 triệu VPD được khối ngoại mua vào theo hình thức thỏa thuận, tương đương gần 25% vốn cổ phần của công ty này.

Trước đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc đăng ký thoái toàn bộ vốn tại VPD với lý do cơ cấu tài chính trong giai đoạn từ 12/12/2022-06/01/2023. Số cổ phiếu đăng ký bán gần 18,3 triệu cổ phiếu, tương đương 17,17% vốn điều lệ tại VPD.

Hơn 26,6 triệu cổ phiếu VPD trong sáng 20/12 được chia làm 4 giao dịch thỏa thuận ở mức giá 29.100 đồng/cp, trong đó có 1 giao dịch với số lượng cổ phiếu tương đương lượng bán ra của Tuấn Lộc. Nhiều khả năng đây là số cổ phiếu của doanh nghiệp xây dựng này bán ra. Ước tính, Tuấn Lộc đã thu về gần 540 tỷ đồng sau thương vụ.

CTCP Phát triển điện lực Việt Nam được thành lập vào năm 2002, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Hiện công ty này có số vốn điều lệ 1.065 tỷ đồng. Ngoài Tuấn Lộc, VPD còn có 2 cổ đông lớn khác là Tổng Công ty Phát điện 1 nắm 36,65% vốn và CTCP Nhiệt điện Phả Lại là 10,61%.

Ngoài VPD, khối ngoại hôm nay còn mua ròng hơn 120 tỷ đồng đối với HPG và STB. SHB, DGC, CTG, VND cũng được mua ròng 70-90 tỷ đồng.

Ngược lại, đứng đầu danh sách bán ròng là VRE nhưng giá trị chỉ hơn 16 tỷ đồng.

VN30 hôm nay giảm mạnh hơn VN-Index, mức giảm hơn 20 điểm. Trong nhóm chỉ còn CTG, SAB, STB, VJC, VNM giữ được sắc xanh khi kết phiên. NVL lại nằm sàn sau 1 tuần có thanh khoản trở lại. GVR, HPG, MBB, HDB, PDR, TCB, VIB, VRE cũng giảm 4-6%.

Ngoài HPG giảm mạnh, nhiều mã thép cũng nằm sàn, giảm sâu khiến nhóm vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất hôm nay, mất gần 3,6% vốn hóa. Các nhóm chứng khoán, xây dựng, nhựa hóa chất giảm hơn 3%; thủy sản, nông nghiệp, bán lẻ, bất động sản, ngân hàng giảm trên dưới 2%.

Tại nhóm chứng khoán, chỉ còn 2 mã ở chiều tăng giá là BSI và HAC. Trong khi đó, FTS, ORS, VIX đồng cùng giảm hết biên độ. SSI giảm 3,4%, VND giảm 1,9%, nhiều mã giảm 5-6%.

Nhóm bất động sản và xây dựng cũng tương tự. Ngoài NVL thì còn 29 mã khác cũng giảm sàn, như DIG, VCG, ITA, IJC, BCG, CII, HPX, DPG, L14, LDG… VRE, REE, KDH, DXG, CEO, PDR… đều giảm đáng kể.

Nhóm ngân hàng có KLB giảm sàn, hầu hết các mã lớn đều giảm mạnh như đã để cập ở nhóm bluechip phía trên. Chiều tăng ngoài CTG, STB còn có EIB và OCB.

EIB đang chứng tỏ sức bền khi vẫn duy trì đà tăng tốt từ 1 tuần trở lại đây. Với nhiều phiên tăng trần, cổ phiếu của Eximbank đã tăng 47% từ vùng đáy 19.000 đồng (phiên 21/11) lên 28.500 đồng (kết phiên 20/12).

Thanh Ba

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khoi-ngoai-mua-rong-gan-1800-ty-dong-gom-manh-mot-ma-la-post15615.html