Khối ngoại mua ròng: Tác động ngắn hạn, cần thêm chuyển động vĩ mô
Nhà đầu tư nước ngoài đang xem hiện tại là cơ hội tuyệt vời để rót tiền nhiều hơn nữa vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi mà triển vọng phát triển trong 5 năm nữa là rất tốt - ông Petri Deryng, nhà sáng lập Quỹ PYN Elite Fund chia sẻ.
Khối ngoại mua ròng đang là điểm sáng trên thị trường trong vài tuần qua, là lực đỡ khá tốt cho thị trường và lan tỏa tâm lý tích cực tới các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền số 49, ông Petri Deryng, nhà sáng lập Quỹ PYN Elite Fund chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài đang xem hiện tại là cơ hội tuyệt vời để rót tiền nhiều hơn nữa vào thị trường chứng khoán Việt Nam bởi triển vọng phát triển trong 5 năm nữa là rất tốt.
Cổ phiếu Việt Nam thực sự đang được định giá với mức hấp dẫn, đặc biệt là khi so sánh với các thị trường lân cận khác Malaysia, Philipine, Indonesia, Thái Lan - các thị trường này giảm khoảng 10% trong năm nay, và con số này ở Việt Nam là 35%, khoảng cách gần 30% nên các nhà đầu tư đang nhìn vào đó, đặc biệt là nhà đầu tư Thái Lan, cho rằng rất dễ dàng để có được 30% tăng giá đó và rồi lãi trong dài hạn – “tôi hoàn toàn tin tưởng chứng khoán Việt Nam sẽ có tương lai tốt” – ông Petri chia sẻ lạc quan.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI cho biết, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF tuần trước thì giá trị chứng chỉ quỹ vẫn giảm đến 36-37% so với đầu năm, nhưng mức độ mua ròng vẫn khoảng gần 10.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm, tháng vừa qua khoảng 2.500 tỷ đồng. Khi giá cổ phiếu xuống thì tâm lý rẻ hơn nên họ đầu tư nhiều hơn cũng là hợp lý.
"Tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn không phải nhiều. Việc các quỹ ETF hay Fubon mua tạo ra động lực nhất định cho thị trường, nhưng cũng chỉ trong ngắn hạn, còn nếu để kéo dài thì cần những chuyển động vĩ mô quan trọng hơn", ông Hưng cho biết.
Ngoài ra, đặc thù của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn, chẳng hạn có giai đoạn dòng vốn Thái Lan, Hàn Quốc ưa thích thị trường Việt Nam, nhưng cũng có giai đoạn họ lựa chọn khác như thị trường Brazil thì họ lại rút vốn để rót vào thị trường khác. Hoặc với Đài Loan, dự báo triển vọng 2023-2024 tốt chẳng hạn, thì dòng vốn cũng có thể chuyển qua đó.
“Nội tại sức khỏe nền kinh tế là trọng yếu, vấn đề nước ngoài chỉ là một phần tác động lên thị trường”, ông Hưng nói.
Vậy tại sao các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm nhiều vào các thị trường phát triển mà lại đổ vốn vào thị trường Việt Nam – ông Hưng cho rằng, điều quan trọng là khi huy động vốn thì đi kèm với tiêu chí đầu tư là gì. Đúng là tỷ trọng mà các nhà đầu tư muốn đầu tư vào thị trường phát triển rất nhiều, nhưng cũng luôn có những nhà đầu tư muốn đầu tư vào thị trường cận biên như Việt Nam, nên huy động mới có thể thành công vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô thị trường Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với các thị trường quốc gia phát triển.
Nói thêm về vấn đề nâng hạng thị trường, ông Petri Deryng cho rằng, MSCI mới là chìa khóa chính, còn FTSE sẽ không thực sự quan trọng. Khi Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi của MSCI, sẽ là một bước tiến lớn bởi vì rất nhiều quỹ thị trường mới nổi không thể đầu tư vào Việt Nam vì chúng ta vẫn là thị trường cận biên.
Đồng thời, việc nâng hạng cũng sẽ giúp mở rộng tệp nhà đầu tư, thậm chí là gấp 5-10 lần so với số lượng nhà đầu tư hiện tại. Bởi vậy, nâng hạng theo chuẩn MSCI rất quan trọng, cả đối với những doanh nghiệp nhà nước, họ sẽ có tệp nhà đầu tư tiềm năng rộng hơn rất nhiều, do đó sẽ có giá IPO tốt hơn rất nhiều.
“Vậy nên sẽ rất ý nghĩa nếu hiện nay chúng ta tập trung và nỗ lực để đáp ứng hai tiêu chuẩn cuối cùng để nâng hạng như chính sách cấp vốn trước và giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ 2 yếu tố này nữa thôi, vì xét về mặt định lượng, thị trường đã đủ phát triển, đủ khối lượng giao dịch, đủ số công ty lớn trên thị trường”- theo ông Petri.