Khối ngoại rút vốn mạnh có đáng ngại cho VN-Index?
Dù dòng vốn ngoại liên tiếp rút ròng trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây, song xét ở các yếu tố vĩ mô, vẫn có một vài điểm nhấn rất đáng chờ đợi.

Phát triển thị trường vốn vẫn nên được ưu tiên thay vì dồn hết “gánh nặng” lên vai chính sách tiền tệ. Ảnh: LÊ VŨ
Dòng tiền chuyển hướng do chính sách thuế quan
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, thị trường tài chính toàn cầu có xu hướng thận trọng trong việc giải ngân vào các quỹ cổ phiếu, thay vào đó các nhà đầu tư tìm đến các tài sản khác an toàn hơn, bao gồm quỹ trái phiếu và quỹ thị trường tiền tệ. Điều này được cho là xuất phát từ chính sách thuế quan áp lên các đối tác thương mại lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, qua đó làm gia tăng khả năng chiến tranh thương mại leo thang.
Cụ thể, các quỹ cổ phiếu toàn cầu tiếp tục giữ trạng thái thận trọng trong hai tuần đầu tiên của tháng 2-2025 khi nhà đầu tư chưa thật sự chắc chắn về các chính sách thuế quan của ông Trump. Tính chung cả tháng, dòng tiền vào ròng giảm 16% so với tháng 1-2025, chỉ đạt 54,1 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, quỹ trái phiếu tiếp tục chứng tỏ là công cụ tài sản hấp dẫn trong môi trường nhiều biến động khi tiếp tục ghi nhận xu hướng vào ròng với giá trị đạt 73,4 tỉ đô la, tăng 9% so với tháng 1, và tương đương 11% giá trị vào ròng của cả năm 2024. Cùng xu hướng với quỹ trái phiếu, dòng tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ cũng bật tăng với giá trị đạt 121,5 tỉ đô la, tăng 41% so với tháng 1.
Xét riêng ở các quỹ cổ phiếu, dòng vốn vào nhóm thị trường phát triển (DM) vẫn giữ được xu hướng vào ròng trong tháng 2. Các quỹ ETF và chủ động ghi nhận giá trị vào ròng 69,1 tỉ đô la, trong đó thị trường Mỹ tiếp tục thu hút được dòng tiền (+41,8 tỉ đô la). Trái ngược với nhóm thị trường phát triển, dòng vốn vào nhóm thị trường mới nổi (EM) lại bị rút ròng mạnh gần 15 tỉ đô la, trong đó 15,5 tỉ đô la bị rút ra khỏi thị trường Trung Quốc và 1,6 tỉ đô la bị rút ra khỏi thị trường Ấn Độ. Trạng thái rút ròng cũng ghi nhận ở một số thị trường Đông Nam Á. Riêng thị trường Đài Loan vẫn ghi nhận vào ròng 1,3 tỉ đô la.
Trong ngắn hạn, chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump có thể gây ra những rủi ro nhất định với TTCK, song về dài hạn hơn, Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ nhận được ảnh hưởng tích cực khi các doanh nghiệp FDI tiếp tục phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các địa điểm sản xuất chịu mức thuế nhập khẩu vào Mỹ không quá cao.
Tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, việc rút ròng vốn của các quỹ tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 2-2025. Các quỹ ETF ghi nhận giá trị rút ròng ở mức 1.155,7 tỉ đồng trong tháng 2, lũy kế hai tháng đầu năm 2025 rút ròng 1.771,8 tỉ đồng, tương đương 3% tổng tài sản các quỹ ETF vào cuối năm 2024, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 56.900 tỉ đồng.
Tuy nhiên, giá trị rút ròng trong hai tháng đầu năm 2025 vẫn thấp hơn 34,5% so với cùng kỳ năm 2024. Một số quỹ ngoại lớn bị rút ròng là Fubon (-254,9 tỉ đồng), VanEck Vietnam ETF (-264 tỉ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (-6,3 tỉ đồng). Với các quỹ ETF nội, quỹ DCVFMVN30 ETF bị rút ròng 433 tỉ đồng, ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp bị rút ròng trong khi quỹ DCVFMVN Diamond ETF cũng bị rút ròng 190 tỉ đồng.
Cùng chung xu hướng với các quỹ ETF, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam và các quỹ đầu tư đa quốc gia cũng rút ròng lần lượt 826 tỉ đồng và 787 tỉ đồng. Lũy kế hai tháng đầu năm 2025, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã rút 1.658 tỉ đồng. Tỷ trọng khối lượng nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên TTCK Việt Nam hiện đã giảm về 13,1%, mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Có thể thấy, dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn đang ưu tiên hơn cho các thị trường phát triển và TTCK Việt Nam cần có những biện pháp phát triển thị trường cụ thể hơn thì mới có thể hấp dẫn được dòng vốn nước ngoài trở lại.
Định giá thị trường vẫn hấp dẫn
Dù dòng vốn ngoại liên tiếp rút ròng trên TTCK Việt Nam thời gian gần đây, song xét ở các yếu tố vĩ mô, vẫn có một vài điểm nhấn rất đáng chờ đợi.
Nổi bật trong số đó là việc Bộ Chính trị đặt quyết tâm lớn trong việc tiếp tục cải cách thể chế, với việc nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện cũng như nghiên cứu nhiều cơ chế đặc thù, thí điểm để hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới. Song song với đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các giải pháp mang tính dài hạn hơn như tăng vốn cho các ngân hàng thương mại, luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, hay phát triển thị trường vốn vẫn nên được ưu tiên thay vì dồn hết “gánh nặng” lên vai chính sách tiền tệ.
Về các yếu tố mang tính thị trường, dữ liệu lịch sử 15 năm cho thấy xu hướng vận động của TTCK tháng 3 thường nghiêng về chiều hướng tích cực khi có tới 12 lần tăng điểm. Trong lần chỉ số VN-Index thử thách mốc 1.300 điểm vào tuần cuối tháng 2 vừa qua, hệ số định giá P/E trượt 4 quí gần nhất và P/E ước tính một năm của VN-Index lần lượt ở mức 14 lần và 10,3 lần - đều là những mức thấp hơn đáng kể so với các lần thử thách trước trong giai đoạn 2020-2024.
Do vậy, hoàn toàn có lý do để tin tưởng mốc 1.300 điểm lần này của chỉ số VN-Index đã được chinh phục thành công. Ở góc độ dài hạn hơn, thị trường sẽ tập trung vào hiệu quả của quá trình cải cách bộ máy nhà nước bắt đầu từ cuối năm 2024. Bên cạnh đó, nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục kỳ vọng vào các yếu tố như: triển vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE Russell (dự kiến vào tháng 9-2025) hay việc triển khai hệ thống giao dịch KRX, áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi.
Về phía rủi ro, yếu tố cần theo dõi sát trong ngắn hạn vẫn là chính sách thuế quan từ phía chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy Việt Nam không hoàn toàn thoát khỏi rủi ro là đối tượng bị đánh thuế (do có thặng dư thương mại lớn với Mỹ), nhưng có thể mức thuế mà Mỹ áp dụng cho Việt Nam (nếu có) sẽ không quá cao (có thể chỉ ở mức 10%) cũng như thời hạn áp dụng ngắn.
Trong ngắn hạn, chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump có thể gây ra những rủi ro nhất định với TTCK, song về dài hạn hơn, Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ nhận được ảnh hưởng tích cực khi các doanh nghiệp FDI tiếp tục phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các địa điểm sản xuất chịu mức thuế nhập khẩu vào Mỹ không quá cao. Trên cơ sở đó, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng, xứng đáng để các nhà đầu tư đặt cược một phần vốn của mình vào đây.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khoi-ngoai-rut-von-manh-co-dang-ngai-cho-vn-index/