TP. Hồ Chí Minh triển khai giải pháp chuyển đổi số trong quản lý công

Trong hai ngày 28 và 29/3/2025, Trung tâm Chuyển đổi số TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức tọa đàm cấp cao dành cho Lãnh đạo Chuyển đổi số năm 2025 (ELP 2025) tại Đại học Fulbright.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm

Đây là hoạt động quan trọng trong Sáng kiến Học viện chính phủ số Việt Nam do Ngân hàng Thế Giới (WB) và Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tài trợ. Tọa đàm ELP 2025 có sự tham gia của hơn 30 lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị đến từ TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Huế, Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Khánh Hòa.

Chương trình ELP 2025 tập trung vào các chủ đề thiết yếu như khai thác cơ sở dữ liệu mở, xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung và đổi mới sáng tạo trong quản trị công – những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và minh bạch.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý và điều hành, từ việc số hóa dịch vụ công, triển khai dữ liệu mở, đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích và ra quyết định.

Để đạt được kết quả bền vững rất cần có sự chung tay của nhiều bên: từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ đến các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển…

Hiện, TP. Hồ Chí Minh đã và đang đi đầu trong chuyển đổi số với những bước tiến quan trọng như Cổng dữ liệu mở, hệ sinh thái ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, nền tảng quản lý đô thị thông minh…; từng bước xây dựng thành phố thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử tiên tiến, hiện đại.

Song thực tiễn, thành phố vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là nhận thức của lãnh đạo quản lý một vài đơn vị sở ngành chưa sâu sắc, chưa thực sự hiểu đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quá trình quản lý xã hội, quản lý Nhà nước giai đoạn mới.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, đặc biệt là nhân sự chuyên ngành có khả năng quản lý, khai thác và phân tích dữ liệu số. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là cơ sở dữ liệu liên thông và các nền tảng chia sẻ dữ liệu.

Quan trọng, vấn đề an ninh, an toàn thông tin còn nhiều thách thức, đòi hỏi phải có cách tiếp cận bài bản, chủ động hơn, đặc biệt là cách ứng phó linh hoạt đối với các sự cố xảy ra trên diện rộng…

“TP. Hồ Chí Minh luôn nỗ lực với vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng cũng cần lắm sự chung tay góp sức của các tỉnh thành bạn để tạo xung lực tổng hợp, tạo động lực, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, không chỉ giúp thành phố và các tỉnh thành bạn phát triển mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên phạm vi cả nước” - Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu suất hoạt động của chính quyền, mà còn mở ra những cơ hội mới trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, và nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố trên trường quốc tế.

Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt ít nhất 8% vào năm 2025 và từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026-2030. Để đạt được những con số này, Thành phố không thể tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng truyền thống mà phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định, để góp phần nâng cao hiệu quả quản trị công nhờ ứng dụng chuyển đổi số, thành phố cần tập trung vào bốn vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, thể chế và chính sách. Thành phố cần hoàn thiện các quy định pháp lý, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu mở và cơ sở dữ liệu dùng chung trong quản lý nhà nước tại địa phương. Trong đó, thể chế phải thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của chính quyền truyền thống sang hoạt động trên môi trường số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, hạ tầng số và dữ liệu. Dữ liệu là trung tâm của chuyển đổi số, rất mong các đại biểu gợi mở các giải pháp cho việc tích hợp dữ liệu của khu vực công và khu vực tư nhân để nâng cao giá trị và hiệu quả khai thác; các sở, ban, ngành cần phối hợp ra sao để đảm bảo dữ liệu được cập nhật, sử dụng liên thông, kể cả mối quan hệ chiều dọc từ cấp tỉnh thành đến cơ sở vận hành.

Trong 5 năm tới đây, TP. Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cần đầu tư hạ tầng số như thế nào để có thể triển khai các ứng dụng dữ liệu lớn – big bata, trí tuệ nhân tạo – AI, công nghệ chuỗi khối – blockchain và tích hợp, đồng bộ vào Trung tâm Dữ liệu Quốc gia.

Thứ ba, khai thác dữ liệu mở phục vụ phát triển hạ tầng dịch vụ đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả nhất.Đây là vấn đề mà lãnh đạo TP. Hồ Chi Minh rất quan tâm.

Cuôícùng, vấn đề quan trọng cần đặt ra là Thành phố cần làm gì để tạo dựng một chính quyền số thực sự vận hành hiệu quả, với đội ngũ cán bộ thực sự mạnh về chuyển đổi số, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Thanh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-trien-khai-giai-phap-chuyen-doi-so-trong-quan-ly-cong-162033.html