Khối ngoại sẽ sớm quay lại

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng, năm 2024, khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ giải ngân mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi khối này bán ròng khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023.

Bà nhận định những yếu tố nào sẽ có ảnh hưởng lớn tới xu hướng thị trường trong năm 2024?

Bà nhận định những yếu tố nào sẽ có ảnh hưởng lớn tới xu hướng thị trường trong năm 2024?

Trước khi nói đến câu chuyện của năm 2024, chúng ta cần nhìn lại đôi nét về những yếu tố chi phối thị trường trong năm 2023.

Thứ nhất là chính sách tiền tệ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều hành uyển chuyển chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp nâng lãi suất.

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Thứ hai, không ít doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, chủ yếu trong nhóm bất động sản. Thông tin trễ hạn thanh toán lãi hay gốc trái phiếu của bất cứ doanh nghiệp niêm yết nào cũng là động cơ giảm giá cổ phiếu trên thị trường, gây bất ổn chung cho giới đầu tư.

Thứ ba là tỷ giá biến động mạnh trong 2 quý cuối năm 2023, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc có dư nợ USD lớn. Yếu tố này gây bất ổn cho giới đầu tư cả nội và ngoại, tạo nên làn sóng bán lớn, đẩy chỉ số VN-Index từ 1.245 điểm xuống 1.020 điểm. Tuy nhiên, tỷ giá sau đó ổn định, giúp chỉ số dao động quanh mức 1.100 điểm.

Tôi cho rằng, thị trường năm 2024 sẽ là sự kế thừa của những yếu tố chính trong năm 2023, bởi các yếu tố đó vẫn còn “dang dở”. Chính sách tiền tệ nên nới lỏng hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Yếu tố trái phiếu dù đã tạm ổn nhưng đỉnh điểm trái phiếu đáo hạn là năm nay, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể vẫn gặp khó khăn về thanh khoản.

Năm qua, khối nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp có động thái bán ròng. Bà có dự báo gì về dòng vốn ngoại trong năm nay?

Có 7 nhóm ngành/cổ phiếu đáng quan tâm đầu tư trong năm 2024, thậm chí nhiều năm tới.

Theo thống kê, khối ngoại bán và rút vốn khỏi thị trường Việt Nam khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, việc rút vốn chỉ là hành động cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ, di chuyển sang các thị trường có xu hướng tăng trưởng (Mỹ, EU, Nhật Bản… ). Tôi đánh giá, việc tái cấu trúc danh mục này là hoàn toàn bình thường.

Bước sang năm 2024, khi Fed có lộ trình giảm lãi suất, Việt Nam với sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực hơn, thị giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thấp so với định giá, dự kiến khối ngoại sẽ sớm quay trở lại. Tất nhiên, ổn định tỷ giá là điều kiện cần đối với các định chế nước ngoài.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi” vào nửa cuối năm 2025. Theo đó, chúng ta có quyền kỳ vọng, trước khi thị trường được nâng hạng, dòng vốn lớn từ các định chế tài chính trên thế giới sẽ chảy vào mạnh mẽ nhằm đón đầu cơ hội, như đã từng diễn ra ở các thị trường trong khu vực trước đây.

Thị trường có triển vọng tích cực hơn, theo bà, những nhóm ngành/cổ phiếu nào đáng quan tâm đầu tư?

Theo tôi, có 7 nhóm ngành/cổ phiếu đáng quan tâm đầu tư trong năm 2024, thậm chí nhiều năm tới.

- Một là dầu khí (PVS, PVD), với kỳ vọng giá dầu thô sẽ không giảm mạnh, trong khi dự án Lô B - Ô Môn bắt đầu triển khai.

- Hai là bán lẻ, trong đó DGW, FRT dẫn dắt ngành đi vào kỷ nguyên mới.

- Ba là cảng biển và logistic (GMD, HAH), kỳ vọng sẽ khởi sắc khi kinh tế thế giới phục hồi.

- Bốn là thép (HPG, NKG), nhóm ngành đầu tư không thể thiếu trong những giai đoạn kinh tế phục hồi hoặc tăng trưởng.

- Năm là chứng khoán (SSI, VND, SHS), triển vọng rất sáng, nhất là khi câu chuyện nâng hạng thị trường đang từ kỳ vọng dần trở thành hiện thực.

- Sáu là ngân hàng (ACB, BID).

- Bảy là bất động sản công nghiệp (KBC, IDC), với kỳ vọng Việt Nam là nơi “hạ cánh” của các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Trong đó, Mỹ và Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, nên nhà máy sản xuất của doanh nghiệp hai nước này có khả năng sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam.

Bình Minh thực hiện.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khoi-ngoai-se-som-quay-lai-post337312.html