Khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp

Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025' (gọi tắt là Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 939 ngày 30-6-2017 không chỉ khơi nguồn, tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Tại Tiền Giang, sau 7 năm thực hiện Đề án 939 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp phụ nữ phát huy tiềm năng bản thân, ngày càng khẳng định vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

NHỮNG MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang phát động, triển khai Đề án 939 đến các cấp Hội LHPN thực hiện hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ (HVPN) tham gia. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, tổ chức Hội LHPN đã phát huy vai trò cầu nối, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất giúp nhiều HVPN vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Bé Hai (xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành) đã biết đến cây bàng trên mảnh đất quê hương mình có diện tích khá nhiều. Do đó, từ nhỏ đến khi lớn lên, chị Hai luôn trăn trở về việc tìm cách phát triển kinh tế từ chính cây bàng bản địa. Qua nghiên cứu, chị đã bàn với chồng mở cơ sở sản xuất nón bàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu trao giải Nhất - Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp và chuyển đổi xanh năm 2024” cho sản phẩm “Nước ép mãng cầu Xiêm lên men” của chị Nguyễn Thị Bảy, huyện Tân Phú Đông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu trao giải Nhất - Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp và chuyển đổi xanh năm 2024” cho sản phẩm “Nước ép mãng cầu Xiêm lên men” của chị Nguyễn Thị Bảy, huyện Tân Phú Đông.

Được Hội LHPN xã Tân Lý Đông hỗ trợ vay 25 triệu đồng, chị Hai đã mạnh dạn đầu tư mua sắm vật dụng như máy ép, máy nhuộm nón bàng… để bắt tay vào sản xuất nón, giỏ xách từ nguyên liệu là cây bàng. Ngoài sản xuất, thu mua nón bàng, giỏ xách bàng, chị Hai còn bán thêm nguyên liệu bàng để người dân thuận lợi hơn trong đan nón, đỡ mất thời gian đi tìm mua nguyên liệu.

Để sản phẩm đảm bảo an toàn, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn, chị Hai đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. “Lúc đầu cũng nhận thấy mình mạo hiểm, nhưng không mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp và được hỗ trợ vốn ban đầu từ Hội LHPN xã Tân Lý Đông thì cơ sở không phát triển được như bây giờ, với 10 công nhân đang làm việc ổn định. Tôi cho rằng, trong sản xuất, kinh doanh, quan trọng nhất là mình làm bằng cái tâm, giữ “chữ tín” và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thì sẽ phát triển bền vững”, chị Hai cho biết.

Thông qua các mô hình, những cách làm của các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã đưa phụ nữ nông thôn không chỉ làm chủ cuộc sống, mà chị em đã nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Những tấm gương điển hình phụ nữ trong phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp, tích cực tham gia công tác Hội đã được các cấp Hội LHPN trong tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng, tạo động lực để chị em phát triển bản thân và ngày càng gắn bó với tổ chức Hội”.

CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG

Cùng với sự nhanh nhẹn trong đổi mới cách làm, tư duy nhạy bén trong quản lý, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè) đã đưa yến sào cao cấp Mỹ Hồng Phúc ngày càng được người tiêu dùng biết đến.

Cơ sở sản xuất yến sào cao cấp Mỹ Hồng Phúc đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoàn chỉnh hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký mã vạch, bao bì, nhãn mác… là những điều kiện đáp ứng tham gia Chương trình OCOP - “Mỗi xã một sản phẩm”.

Chị Hạnh đã đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP với các sản phẩm: Tổ yến tinh chế; yến chưng gừng; yến chưng đông trùng hạ thảo; yến chưng đông trùng hạ thảo đường kiêng (35%); yến chưng nhân sâm.

Thành công với nhiều loại trái cây sấy dẻo đã giúp chị Hoàng Thị Thu Thảo, (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) có thu nhập ổn định, góp phần giải quyết đầu ra cho các loại trái cây tươi trong khu vực. “Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nên tôi đã thấy được sự vất vả của nông dân tạo ra nông sản địa phương có tiềm năng phát triển rất lớn.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản vẫn chưa tương xứng với những gì nông dân bỏ ra. Do đó, với ý tưởng bảo quản và chế biến nguồn nông sản sẵn có, giải quyết một phần lao động nhàn rỗi tại địa phương, tạo cơ hội tiêu thụ nông sản phát triển lớn hơn cho người nông dân, tôi và chồng đã đi học tập kinh nghiệm nhiều nơi để cho ra đời Công ty TNHH VINAXO với ngành nghề chính là chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ những mặt hàng nông sản, rau, củ, trái cây… tại địa phương, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam”, chị Thảo chia sẻ.

Đến nay, Công ty TNHH VINAXO của chị Thảo đã phát triển các loại trái cây sấy dẻo, như: Xoài, thanh long, mít, dừa, đu đủ, ổi… Chị Thảo cho biết, các loại trái cây sấy dẻo của công ty được sản xuất từ công nghệ sấy nhiệt lạnh hiện đại, cam kết tươi ngon tự nhiên 100% và an toàn thực phẩm, giữ trọn hương vị tự nhiên khi sử dụng. Trong đó, xoài là sản phẩn bán chạy nhất của công ty, mỗi năm sản xuất khoảng 2.000 tấn xoài tươi. Vì vậy, đã giải quyết được rất nhiều đầu ra cho nông dân trồng xoài.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỖ TRỢ

Còn rất nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mạnh dạn khởi nghiệp và đã thành công. Để có được những thành công trong khởi nghiệp của phụ nữ, phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của các cấp Hội LHPN, các ban, ngành từ xây dựng, hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp; hướng dẫn kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ vốn; tìm đầu ra cho sản phẩm…

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của tổ chức Hội LHPN, các cấp, ngành, phân tích thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế của từng địa phương, từng vùng nhằm giúp hội viên, phụ nữ có định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu của hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khó khăn có ý chí vượt khó, để đưa ra các hình thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Trong nửa nhiệm kỳ 2021 - 2026, triển khai thực hiện Đề án 939, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã giúp 1.992 lượt phụ nữ nghèo và 704 lượt phụ nữ chủ hộ nghèo, qua đó có 273/100 phụ nữ thoát nghèo (vượt 173% so với nghị quyết); có 494/150 phụ nữ cận nghèo thoát nghèo (vượt 229% so với nghị quyết). Hỗ trợ nâng cao năng lực cho 72/10 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh (vượt 620% chỉ tiêu nghị quyết).

Các cấp Hội duy trì và thực hiện tốt việc khai thác, quản lý nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang. Đến nay, tổng dư nợ hai nguồn vốnnày là 1.800 tỷ đồng, đã giúp trên 69.000 lượt hội viên, phụ nữ có nhu cầu vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, với tỷ lệ hoàn vốn trên 98%.

Ngoài ra, việc thành lập và duy trì hoạt động Chi hội Nữ doanh nhân tỉnh Tiền Giang đã góp phần đẩy mạnh liên kết hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động. Qua đó, giúp gia đình hội viên, phụ nữ đảm bảo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong đó, đáng chú ý là Hội thi về ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp và Ngày hội về phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức hằng năm. Hội thi cũng như ngày hội đã thu hút sự tham gia của nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh, với hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp.

Năm 2024, Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp và chuyển đổi xanh” có 162 ý tưởng đăng ký tham gia. Tại vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn được 28 ý tưởng có tính khả thi vào vòng trong để tập huấn, hướng dẫn cho các ý tưởng hoàn thiện kế hoạch kinh doanh.

Tại Vòng chung kết Hội thi “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp và chuyển đổi xanh”, có 15 ý tưởng khởi nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, sản xuất công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin...

Các tác giả trình bày ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của mình trên phần mềm Powerpoint, video một cách sinh động, logic, làm nổi bật vấn đề, cùng kỹ năng thuyết trình đúng trọng tâm, yêu cầu của Ban Tổ chức hội thi, tạo được sức thuyết phục, ưu điểm của ý tưởng, sản phẩm trong đời sống. Qua đó cho thấy sự tự tin, ý chí vươn lên khởi nghiệp của các tác giả ý tưởng/dự án.

Tiêu biểu có các ý tưởng, sản phẩm như: “Nước ép mãng cầu Xiêm lên men” của chị Nguyễn Thị Bảy (huyện Tân Phú Đông); “Trồng khóm sạch sử dụng phân hữu cơ” của chị Lê Thị Bích Phượng (huyện Tân Phước); “Trái cây sấy dẻo” của chị Hoàng Thị Thu Thảo (huyện Gò Công Tây); “Mứt vỏ bưởi xanh sấy giòn” của chị Lê Thị Minh Tâm (huyện Chợ Gạo); “Cơm cháy chà bông” của chị Võ Thị Đèo (TX. Cai Lậy); “Chiết xuất tinh dầu chanh chăm sóc sức khỏe gia đình” của chị Trần Thị Mộng Thu (huyện Cái Bè)…

PHƯƠNG MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202409/hoi-lien-hiep-phu-nu-tinh-tien-giang-thuc-hien-de-an-939-khoi-nguon-cho-phu-nu-khoi-nghiep-1020161/