Khởi nguồn của liên minh chiến lược Iran - Syria
Khởi nguồn của liên minh Iran - Syria bắt đầu năm 1979, sau khi diễn ra cuộc cách mạng Hồi giáo Iran, làm thay đổi bối cảnh chiến lược của Trung Đông.
Khi đó, Tổng thống Syria Hafez al Assad nhận thấy trong cuộc cách mạng này có một lực phản kháng dữ dội chống lại Iraq và Israel. Ông Hafez phấn khích đến mức đã gửi một cuốn kinh Coran mạ vàng cho Đại giáo chủ Khomeini với một lời hứa hẹn hợp tác.
Khomeini đã đáp lại, ông hướng đến Syria như một cây cầu để củng cố sức mạnh cho người Shiite ở miền nam Lebanon, nơi được xem như một tiền đồn linh thiêng của dòng Hồi giáo Shiite trên thế giới mà cần phải được bảo vệ với bất cứ giá nào.
Sự thù hận chung đối với Israel, Iraq và Mỹ cũng như nhận thức về mối đe dọa từ ba quốc gia này đã đưa Iran và Syria đến với liên minh chính trị. Việc ông al Assad là người Alawite, một nhánh của Shiite - tôn giáo nhà nước ở Iran, đã góp phần thắt chặt liên minh này.
Al Assad chính là nhà lãnh đạo lớn Ảrập duy nhất ủng hộ Iran trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq những năm 1980. Syria đã ngăn chặn lập mặt trận chống Iran của các nước Ảrập. Ông cũng cho đóng cửa các đường ống dẫn dầu của Iraq qua Syria, làm giảm đáng kể thu nhập của Iraq.
Iran cũng ủng hộ al Assad. Giai đoạn này, hàng năm Iran đã cung cấp miễn phí cho quân đội Syria 1 triệu thùng dầu, và 8 triệu thùng với giá thấp hơn 2,5USD so với giá thị trường. Khi chế độ al Assad đàn áp tổ chức Anh em Hồi giáo Syria (được Iraq ủng hộ) ở thành phố Hamas vào tháng 2/1982, Khomeini chỉ lên án nhẹ nhàng mà không thay đổi chính sách đối với Syria.
Về phần mình, Syria cũng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Iran trong chiến tranh Iran - Iraq. Do Mỹ ngăn Tehran mua vũ khí và phụ kiện mới cho các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất, Syria đã trở thành một đường giao thông huyết mạch để Iran vòng tránh lệnh cấm vận.
Mohsen Rafiqdust, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran giai đoạn 1982-1989 đã viết: “Damascus đã biến thành trung tâm chuyển vũ khí tới Iran. Trên thực tế, ông al Assad đã chỉ định một nhà kho ở sân bay Damascus cho chúng tôi để cất giữ mọi thứ chúng tôi mua”.
Syria còn tổ chức huấn luyện cho các nhân viên Iran về công nghệ tên lửa, thậm chí cung cấp cho Iran một số tên lửa Scud B vào giai đoạn cuối của chiến tranh.
Nhưng Lebanon mới là nơi Iran và Syria cộng tác chặt chẽ nhất, với “sản phẩm” quan trọng nhất là Hezbollah. Năm 1981, một năm sau khi Iraq phát động cuộc chiến chống Iran, một nhóm người Lebanon Shiite trẻ tuổi đã tới Tehran thăm Đại giáo chủ Khomeini. Trong số họ có Hassan Nasrallah 21 tuổi (hiện là thủ lĩnh Hezbollah).
Tại cuộc gặp đó, Khomeini đã tán thành việc thành lập một tổ chức mới tại Lebanon – một tổ chức được đặt dưới sự điều hành trực tiếp của các giáo sĩ, để thay thế cho phong trào Amal của Imam Musa Sadr được xem là quá ôn hòa.
Khomeini đã bổ nhiệm Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao hiện nay, làm đại diện đặc biệt của ông để giám sát việc thành lập tổ chức mới này – Hezbollah. Nhiều năm sau, Nasrallah nhớ lại: “Iran đã trao cho Lebanon mọi thứ trong quyền hạn của mình: tiền, huấn luyện và cố vấn”.
Không lâu sau khi nổ ra cuộc xâm nhập của Israel vào Lebanon trong cuộc nội chiến Lebanon tháng 6/1982, một đoàn đại biểu từ Iran đến gặp al Assad thông báo Iran đã sẵn sàng đưa quân đội hạn chế tới chiến đấu chống Israel “ở một mặt trận sẽ được quyết định bởi quân đội Syria”.
Al Assad từ chối đề xuất liều lĩnh này, nhưng cho phép Iran cử 500 lính Vệ binh Cách mạng tới Damascus và từ đó tới thung lũng Bekka ở Lebanon để huấn luyện và vũ trang cho người Shiite. Tại đây, cả Iran và Syria đã sử dụng Hezbollah để thiết lập sự hiện diện ở Lebanon và phát triển khả năng trả đũa chống Israel.
Về phần mình, Hezbollah, với sự trợ giúp của Iran và Syria, đã gần như trở thành một “nhà nước trong nhà nước” ở Lebanon với thực lực quân sự, chính trị, kinh tế hùng mạnh, đến mức có chân trong Quốc hội và Nội các Lebanon, mở rộng tầm với ra ngoài biên giới Lebanon.
Như vậy, liên minh chính trị giữa Syria và Iran dưới thời al Assad "Cha" được duy trì thông qua một nhận thức chung về các mối đe dọa, sự hội tụ các lợi ích ở Lebanon và Iraq, và một lập trường chung về Palestine, Israel và Mỹ. Hai nước đã phối hợp trong nhiều vấn đề như những đối tác ngang hàng và giải quyết thành công các bất đồng thỉnh thoảng xuất hiện.
Tuy nhiên, khác với Iran, Syria đã thận trọng không đối kháng công khai với Mỹ. Al Assad cũng không cho phép Iran can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Syria. Ông đã khéo léo giữ một thế cân bằng mong manh giữa những lợi ích của Iran và các nước Ảrập, đặc biệt là với Ảrập Xêút.