Khơi nguồn sáng tạo trong sinh viên

ĐBP - Năm 2021 là năm thứ 3 Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi 'Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Điện Biên'. Hưởng ứng cuộc thi, mỗi năm có gần 100 ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên trong toàn tỉnh đăng ký tham gia. Trong đó, nhiều ý tưởng, đề tài tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra đời đã đáp ứng được nhu cầu thị trường và mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên.

Đoàn viên, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên chăm sóc vườn cây dược liệu trong quá trình thực hiện ý tưởng Ứng dụng chế phẩm sinh học Emina trồng và chế biến cây dược liệu cho tinh dầu theo hướng hữu cơ: Bạc hà, hương thảo, oải hương.

Ý tưởng gắn liền thực tiễn

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên hiện có 50% học sinh, sinh viên (HSSV) là người dân tộc Mông; phần lớn các em đều biết thêu thùa, may vá. Bên cạnh đó, gia đình các em chủ yếu thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên việc chi trả các khoản sinh hoạt hàng ngày còn nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm tác giả Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên thực hiện ý tưởng phát triển nghề thêu truyền thống của dân tộc Mông cho HSSV. Mục tiêu của ý tưởng nhằm tuyên truyền, phát huy, bảo tồn văn hóa nghề thêu truyền thống của dân tộc Mông trong HSSV; duy trì và phát triển nghề thêu truyền thống của dân tộc Mông, đặc biệt là phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch; từ đó, tạo nguồn thu nhập cho HSSV.

Thực hiện ý tưởng từ tháng 4/2021, đến nay, toàn trường có 350 HSSV tham gia và thành lập được 2 đội thêu với tổng số 20 thành viên. Các sản phẩm là những túi xách, túi giữ nhiệt được thêu hoa văn đặc sắc của dân tộc Mông trên nền vải thổ cẩm rất bắt mắt.

Tương tự, khi nhận thấy tỉnh Điện Biên có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển dược liệu cũng như mong muốn quảng bá các sản phẩm dược liệu sạch kết hợp nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhóm tác giả Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên đã xây dựng ý tưởng ứng dụng chế phẩm sinh học Emina trồng và chế biến cây dược liệu cho tinh dầu theo hướng hữu cơ: Bạc hà, hương thảo, oải hương. Với diện tích trồng thí điểm 3.000m2 cây dược liệu cho tinh dầu, trong đó: Gừng trâu 1.500m2, bạc hà 500m2, hương thảo 500m2, oải hương 500m2. Trong thời gian hơn 2 năm, ý tưởng sẽ thực hiện ứng dụng chế phẩm sinh học Emina trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; đồng thời hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng gừng trâu, bạc hà, hương thảo, oải hương. Từ đó, chiết xuất tinh dầu và từng bước phát triển các chế phẩm khác từ các loại cây dược liệu như trà, túi thơm, nước ngâm chân… nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.

Là sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Vàng A Bẩy (K22MT) vận dụng những kiến thức đã học cùng với kỹ năng quan sát thực tế để đưa ra ý tưởng cà phê kí họa chân dung. Chia sẻ về lý do thực hiện sáng kiến, Bẩy cho biết: Số lượng quán cà phê đang kinh doanh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có mật độ khá dày. Vì muốn mang đến cho các quán cà phê nét độc đáo, mới lạ, tạo sức hút riêng, cũng như để thỏa sức đam mê, nâng cao tay nghề và có nguồn thu nhập, em đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp này và lên kế hoạch thực hiện ước mơ của mình sau khi ra trường. Việc thực hiện ý tưởng không chỉ tạo thu nhập cho bản thân mà cho cả các sinh viên có chung niềm đam mê.

Xây dựng ý tưởng, đội việc làm Kí họa chân dung gồm 5 sinh viên của ngành sư phạm mỹ thuật có chung đam mê, kiến thức và chuyên môn hội họa được thành lập, vừa đảm nhận công việc tại các quán cà phê vừa vẽ tranh kí họa cho khách. “Em mong muốn trong tương lai sẽ tạo lập được một lĩnh vực kinh doanh kết hợp với đam mê nghệ thuật, tạo tiền đề khởi nghiệp cho chính mình” - Vàng A Bẩy chia sẻ.

Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp

Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Điện Biên” do Tỉnh đoàn tổ chức phát động từ tháng 4/2021. Sau 5 tháng triển khai, 33 bài dự thi có chất lượng tốt nhất gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh. Trong đó, nhiều bài thi được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức, chất lượng cao với nhiều tâm huyết của tác giả, nhóm tác giả. Đáng chú ý, có những bài thi được minh họa bằng nhiều hình ảnh sống động, kèm theo trích dẫn về ý tưởng của sản phẩm.

Là một trong những đơn vị gặt hái được nhiều thành công tại cuộc thi, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên có 1 ý tưởng đoạt giải Nhì và 1 ý tưởng đoạt giải Khuyến khích, nhà trường vinh dự nhận Bằng khen của Ban Tổ chức.

Chị Phạm Thu Hường, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên chia sẻ: Đạt được kết quả cao tại cuộc thi thì ngoài niềm đam mê sáng tạo của các đoàn viên, sinh viên, phải kể đến sự giúp đỡ, tạo điều kiện của ban lãnh đạo nhà trường. Để nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên khi ra trường, nhà trường không chỉ tập trung đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mà còn tạo dựng môi trường thực hành, nghiên cứu, học tập thuận lợi như: Đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ thực hành nghề cho sinh viên; mở rộng các khu thực nghiệm; thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Cùng với đó, mỗi cán bộ, giáo viên trong nhà trường cũng luôn sát cánh cùng sinh viên trên con đường vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống và đi tìm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

Đánh giá về cuộc thi, anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Cuộc thi là sân chơi bổ ích nhằm đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, cổ vũ động viên tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên; tìm kiếm và tôn vinh những ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên; tạo lập môi trường thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ, phát triển tài nguyên bản địa, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa dân tộc và hình thành các sản phẩm đặc trưng. Qua đó, thu hút hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên.

Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/191071/khoi-nguon-sang-tao-trong-sinh-vien