Khơi nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân
Hàng loạt chính sách mới hỗ trợ về tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân đã được đưa ra. Tuy nhiên, để 'mở khóa' nhiều cơ hội, sự chủ động từ phía doanh nghiệp sẽ giúp tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.

Đã có khoảng 900 tỷ đồng được Quỹ SMEDF giải ngân cho 60 doanh nghiệp thông qua hoạt động cho vay gián tiếp. Ảnh: Đ.T
Loạt chính sách khơi vốn
Những ngày này, một trong các nhiệm vụ lớn mà Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) đang thực hiện là triển khai xây dựng Nghị định thay thế về tổ chức và hoạt động của Quỹ. Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân cùng Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành sau đó đã giao nhiệm vụ mới và bổ sung loạt chức năng quan trọng cho tổ chức này.
Nghị quyết 139/NQ-CP xác định, các chức năng của SMEDF gồm hoạt động cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay khởi nghiệp, tài trợ vốn ban đầu cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, dự án xây dựng vườn ươm cùng hoạt động đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương, quỹ đầu tư tư nhân để tăng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chia sẻ tại Chương trình hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa về quy trình chuẩn bị hồ sơ cho vay gián tiếp vừa tổ chức cuối tháng 6/2025, ông Nguyễn Đức Long, Phó giám đốc Quỹ SMEDF cho biết, theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, Nghị định mới cần được hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành, SMEDF đã ngay lập tức triển khai xây dựng Nghị định thay thế và dự kiến hoàn thiện cơ bản trong khoảng 2-3 tháng tới.
Bên cạnh việc bổ sung các chức năng “rất mới” cho SMEDF, Nghị quyết 198/2025/QH15 đã đưa cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng bao gồm nội dung là Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ đầu tháng 10/2025 mở ra quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia. Đây sẽ là quỹ được cấp vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước và được quyền nhận tài trợ, viện trợ và nguồn vốn hợp pháp khác, mà không làm tăng vốn điều lệ của Quỹ. Quỹ được thành lập để đầu tư, cùng đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư vào quỹ khác cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Quỹ SMEDF đang cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại đối với nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và tham gia chuỗi giá trị với mức lãi suất ưu đãi. Mục tiêu được xác định, đây là vốn mồi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, các ngân hàng cùng hướng sự chú ý đến khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện SMEDF đã giải ngân cho 60 doanh nghiệp với giá trị khoảng 900 tỷ đồng thông qua hoạt động cho vay gián tiếp. Riêng 3 năm gần đây, hơn 700 tỷ đồng đã được giải ngân nhờ thay đổi cách tiếp cận, truyền thông. Việc mở rộng hoạt động truyền thông hay có thêm các chương trình hướng dẫn về quy trình cũng là định hướng tương lai để thông tin về nguồn vốn từ Quỹ tiếp cận rộng hơn cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm 2025, tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, dự kiến cần nguồn lực rất lớn. Theo Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng, không thể chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, mà cần tổng hòa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn ngân sách nhà nước cần được sử dụng như "vốn mồi" để kích thích, thu hút nguồn vốn từ xã hội.
Tuy vậy, điều cần thiết hơn là sự chủ động từ phía doanh nghiệp. Là một trong những doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn từ SMEDF, bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty HanelPT cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nên chủ động làm hồ sơ chuyên nghiệp và không nên ngại tiếp cận vốn công vì quy trình này minh bạch hơn nhiều người nghĩ.
“Việc tiếp cận vốn từ SMEDF không chỉ giúp tìm kiếm nguồn tài chính, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận thông tin và tự soi chiếu lại năng lực quản trị. Quá trình chuẩn bị hồ sơ giúp doanh nghiệp tự đánh giá rõ hơn và nâng tầm quản trị doanh nghiệp một cách bền vững”, bà Trang nhấn mạnh.
Dự kiến từ tháng 7/2025 đến tháng 9/2025, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 (VPSF 2025) do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức cùng sự phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ diễn ra với ba vòng đối thoại từ cấp địa phương, cấp bộ ngành đến phiên đối thoại toàn thể cấp cao.
Theo GS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một thành viên trong Ban Cố vấn của Diễn đàn, vai trò của kinh tế tư nhân đã khác xưa. Với chính sách, khu vực kinh tế tư nhân không phải “đi xin”, mà cần đưa ra yêu cầu để có thể gánh vác sứ mệnh trụ cột kinh tế và đóng vai trò tham vấn để chính sách đi vào thực tiễn.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng khẳng định, tư nhân không xin đặc quyền hay chính sách. Điều họ mong muốn là niềm tin vào thể chế, chính sách.
Trong bối cảnh chính sách đang “mở khóa” nhiều cơ hội mới, cần nhiều hơn các doanh nghiệp chủ động không chỉ trong tiếp cận vốn, mà còn trong tham gia kiến tạo thể chế.
Về phía cơ quan quản lý, bên cạnh các chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp, các chính sách sắp tới cũng mở cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), cho phép triển khai các mô hình, công nghệ hoặc chính sách mới trong khung thời gian và phạm vi giới hạn, qua đó khuyến khích mô hình kinh doanh mới, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khoi-nguon-von-ho-tro-doanh-nghiep-tu-nhan-d321175.html