Chính quyền địa phương 2 cấp: Góc nhìn của chuyên gia từ Indonesia
Nhiều chuyên gia từ Indonesia bày tỏ vui mừng và ca ngợi Việt Nam trong chính sách cải cách quyết liệt và sâu rộng để tạo tiền đề cho đất nước phát triển và bước vào kỷ nguyên mới.
Chuyển sang mô hình địa phương 2 cấp là bước cải cách thể chế hành chính có tính lịch sử cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc tái cấu trúc bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn. Điều này đã thu hút sự quan tâm của người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Indonesia.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Trần Đông Phương - chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) - đã chia sẻ sự vui mừng khi thấy Đảng và Nhà nước tiến hành những chính sách cải cách quyết liệt và sâu rộng để tạo tiền đề cho đất nước phát triển trong thời gian tới khi bước vào kỷ nguyên mới.
Theo ông Trần Đông Phương, việc cải cách hệ thống hành chính địa phương từ 3 cấp xuống còn 2 cấp là một cải cách lớn, giúp làm giảm nhiều thủ tục, giảm chi phí vận hành và tiết kiệm ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu quả hệ thống hành chính.
Các doanh nghiệp cũng sẽ có những tác động lớn nhờ giảm chi phí kinh doanh, đáp ứng yêu cầu mới. Đây cũng là một trong những biện pháp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Ông Phương cho rằng quá trình thực hiện ban đầu sẽ có những thách thức và khó khăn nhất định, như việc làm sao để có thể sắp xếp ổn định từ con người đến hệ thống vận hành trong thời gian ngắn nhất, tránh gây ra gián đoạn không đáng có.
Vị chuyên gia này tin rằng quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra suôn sẻ do có sự đồng thuận của cả hệ thống và người dân. Hệ thống mới sẽ đi vào hoạt động nhanh chóng, mang lại kết quả tích cực và sâu rộng để hỗ trợ quá trình đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Mặc dù đã theo chồng sinh sống và làm việc tại Bali (Indonesia) 22 năm, chị Nguyễn Lê Túy Hạnh vẫn thường xuyên theo dõi tình hình đất nước. Chị cho rằng việc bỏ cấp huyện và quận sẽ giảm bớt nhân sự trong bộ máy nhà nước và góp phần tiết kiệm ngân sách, đây là điều đáng hoan nghênh.
Chị bày tỏ hy vọng sau khi bỏ một cấp, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sẽ làm việc hiệu quả hơn và người dân cũng như doanh nghiệp sẽ sớm nhận được những lợi ích của việc thay đổi này, cho dù mọi cải cách hay đổi mới đều cần có thời gian.
Các học giả, nhà nghiên cứu tại Indonesia cũng chia sẻ góc nhìn về những cơ hội, thách thức và ý nghĩa chiến lược của cải cách ở Việt Nam, không chỉ dưới góc độ kỹ thuật hành chính mà còn là bước chuyển quan trọng trong tư duy và mô hình quản trị nhà nước hiện đại.
Ông Beni Sukadis, Điều phối viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) cho rằng việc Việt Nam chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là bước tiến lớn hướng tới xây dựng nền hành chính công hiệu quả hơn, cho phép chính quyền địa phương hành động nhanh hơn, quyết đoán hơn.

Ông Beni Sukadis, Điều phối viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi). (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)
Cải cách này cũng cho phép quản lý nguồn lực tốt hơn, chính quyền địa phương có thể phân bổ ngân sách, nhân sự và cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn.
Ông nhấn mạnh mô hình 2 cấp phản ánh sự thay đổi trong triết lý quản trị với cách tiếp cận hướng đến dịch vụ và tập trung hơn vào công dân. Chính quyền địa phương được khuyến khích hành động mạnh dạn, đổi mới và nắm bắt chuyển đổi số.
Đây không chỉ là tái cấu trúc kỹ thuật mà còn là động thái chiến lược để hiện đại hóa quản trị và hỗ trợ phát triển bền vững.
Ông Beni Sukadis cho rằng cuộc cải cách này sẽ đặt nền tảng cho việc xây dựng các thành phố thông minh, thúc đẩy các trung tâm kinh tế và tăng cường hội nhập. Các nhà lãnh đạo địa phương được trao quyền hành động với quyền tự chủ lớn hơn và trách nhiệm cụ thể hơn trong việc mang lại những kết quả thực sự.
Cũng theo ông Beni, không chỉ nâng cao hiệu quả hành chính mà mô hình địa phương 2 cấp còn liên quan đến việc định hình lại quản trị công để tạo ra sự năng động hơn, toàn diện hơn và có khả năng đối phó tốt hơn trước những thách thức trong tương lai.
Trong khi đó, bà Dinna Prapto Raharja, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách Synergy của Indonesia, nhận định rằng việc Việt Nam quyết định cải cách bộ máy hành chính là bước đi chính trị táo bạo, tích cực và sẽ đi kèm với không ít thách thức, đặc biệt trong quá trình triển khai và đảm bảo bộ máy mới vận hành hiệu quả.
Theo bà, thách thức lớn nhất sẽ nằm ở cách thức thực hiện cải cách cũng như duy trì tính toàn vẹn của hệ thống sau chuyển đổi, bởi “toàn vẹn” không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn là việc đảm bảo bộ máy hành chính mới có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Bà Dinna, chuyên gia nghiên cứu, Viện nghiên cứu chính sách Synergy, Indonesia. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)
Một quá trình chuyển đổi hiệu quả, theo bà, là quá trình không tạo thêm rào cản giữa chính quyền và người dân, đồng thời phải mang lại những lợi ích cụ thể như kỳ vọng của chính phủ.
Bà Dinna cũng cho rằng chìa khóa thành công nằm ở việc cân bằng giữa đổi mới và ổn định. Việt Nam đã tiến hành sáp nhập một số bộ vào đầu năm 2025 và chỉ trong thời gian ngắn sau đó lại tiếp tục tiến thêm một bước khi quyết định xóa bỏ một cấp chính quyền.
Bà tin rằng Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích và rủi ro, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang có nhiều biến động, đồng thời kỳ vọng những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam sẽ mang lại kết quả tích cực./.