Khôi Nguyễn, sáng lập WeFit: Không đặt nặng 'cơm, áo, gạo, tiền'
Sau 5 tháng ra đời, WeFit - ứng dụng kết nối hàng trăm phòng tập thể dục cùng hàng ngàn bài tập với người dùng - đã liên kết được khoảng 220 phòng tập thể dục tại Hà Nội và TP.HCM. Mục tiêu của Khôi Nguyễn, người sáng lập WeFit là sẽ chiếm lĩnh thị trường này trước khi có bất kỳ đối thủ nào xuất hiện.
Chinh phục đối tác bằng sự chân thành
Với WeFit, người dùng chỉ cần sử dụng app WeFit hoặc WeFit.vn và tự chọn cơ sở, địa điểm, môn học… theo nhu cầu của mình. Khi đi tập, họ chỉ cần mở ứng dụng và xác nhận lịch tập trong 150 trung tâm tại Hà Nội hoặc 70 phòng tập tại TP.HCM. Theo nghiên cứu của WeFit, ngoài khung giờ cao điểm (17-20h), có đến 70% phòng tập nhỏ vắng khách và WeFit sẽ hỗ trợ họ lấp đầy mà hoàn toàn không thu thêm chi phí hợp tác.
Thời gian đầu (từ tháng 9/2016), WeFit liên tục nhận được những lời từ chối hợp tác, bởi các phòng tập cho rằng, WeFit đang giành giật khách hàng của họ. Tuy nhiên, tìm hiểu thông tin về các phòng tập, trao đổi bằng sự chân thành, cầu thị là cách mà đội ngũ này thuyết phục hàng trăm trung tâm, cơ sở, phòng tập lớn nhỏ cùng họ làm nên “win-win”.
“WeFit không chỉ là tập thể hình như mọi người nghĩ, mà hướng đến việc rèn luyện sức khỏe với nhiều bộ môn như yoga, nhảy, boxing…”, Khôi Nguyễn nói và cho biết, WeFit hiện có trên 1.000 người đăng ký với tần suất đi tập 5,3 lần/tháng, nhưng mục tiêu của họ là người dùng phải duy trì 8 lần tập/tháng thì mới tác động tích cực đến sức khỏe và tháng 3/2017 sẽ đạt mục tiêu này.
Bên cạnh đó, dù khách hàng thích thú với sản phẩm, nhưng việc duy trì thói quen mới là thử thách. Trước mắt, WeFit sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách tiếp cận nhiều khách hàng qua các công cụ nhắc nhở trên Facebook, Gmail, SMS… WeFit còn tạo ra các “thử thách” như ai tập nhiều nhất sẽ có thưởng… để khuyến khích mọi người đến phòng tập.
Sáng lập WeFit chia sẻ, họ có lợi thế tham gia thị trường đầu tiên, nhưng đi đầu là một chiến thuật, chứ không phải mục tiêu. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 50%/tháng của WeFit, cùng với tỷ lệ sử dụng các câu lạc bộ thể hình tại Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ 0,46% dân thành thị, theo IHRSA 2014, World bank, IMF, BCG và Bloomberg), start-up này tin rằng, họ đang đi đúng hướng.
Làm theo đam mê
Có 3 lĩnh vực mà chàng trai sinh năm 1991 Khôi Nguyễn muốn thay đổi tại Việt Nam là giáo dục, sức khỏe và giao thông. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư máy tính tại Học viện Công nghệ Illinois (Chicago, Mỹ), năm 2013, Khôi Nguyễn bỏ qua lời mời gọi của các tập đoàn lớn tại đây và trở về nước khởi nghiệp. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không đặt nặng “cơm, áo, gạo, tiền”, Khôi Nguyễn có nhiều điểm tương đồng với các start-up hiện nay là làm theo đam mê.
Để tích lũy kiến thức về kinh doanh, truyền thông…, Khôi Nguyễn đã làm việc tại một số công ty như IDG Ventures Vietnam, Netlink… Sau 2 năm làm Phó giám đốc Topica Edumal Việt Nam với sản phẩm EduMall.vn, thỏa mãn ước vọng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Khôi thành lập WeFit cùng 8 cộng sự đã làm việc chung từ hồi anh về Việt Nam.
WeFit có 30 thành viên, tương đối đông so với các start-up bình thường, nhưng đó là điều cần thiết để có nhân sự hỗ trợ khách hàng tại các phòng tập. “CFO của WeFit là người từng làm việc tại Google Singapore, phụ trách marketing cũng là sinh viên Đại học Ngoại thương, cựu Chủ tịch Câu lạc bộ Marketing của trường này. Một lợi thế của WeFit là những người làm công nghệ khá giỏi tiếng Anh, điều mà các start-up ở Việt Nam đang rất thiếu”, Khôi Nguyễn chia sẻ.
Hiện WeFit có một số nhà đầu tư thiên thần và đang gọi vốn để mở rộng thị trường. “Thị trường này có quy mô khoảng 200 triệu USD và 95% dân số Việt Nam chưa duy trì thói quen đến các phòng tập. Điều đó rất hấp dẫn các công ty nước ngoài, vì vậy, WeFit phải đi nhanh, để khi họ vào, thì mình đã có 500 đối tác, cùng với lợi thế người bản địa”, Khôi Nguyễn cho biết.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hợp tác thực hiện chuyên mục này